Làn sóng người tị nạn thế giới ngày càng tăng
Theo thống kê mới đây của LHQ, xung đột, bạo lực, thảm họa thiên nhiên, đói nghèo là những nguyên nhân chính đã đẩy 27,5 triệu người trên thế giới, con số cao nhất trong vòng một thập kỷ qua, vào cảnh sống tha hương trong năm 2010. Thế giới phải đối mặt làn sóng tị nạn ngày càng gia tăng và châu Âu là một trong những nơi phải đối mặt nhiều nhất với làn sóng tị nạn từ châu Phi.Chủ tịch Hội đồng người tị nạn của Na Uy, và là đồng chủ trì dự án nghiên cứu về người tị nạn của LHQ Ê.Ra-mu-xen nhấn mạnh, châu Phi chiếm 40% trong tổng số 27,5 triệu người tha hương trên toàn cầu, hầu hết là ở Xu-đăng, CHDC Công-gô và Xô-ma-li-a. Gần ba triệu trẻ em ở 20 nước trên thế giới đã trở thành trẻ tha hương do xung đột và bạo lực năm 2010. Từ tháng 12-2010, hơn nửa triệu người ở Cốt Đi-voa đã phải rời bỏ quê hương kể từ sau tranh chấp dẫn đến xung đột giữa tổng thống mãn nhiệm và tổng thống đắc cử ở nước này. Trong khi đó, số...
Chủ tịch Hội đồng người tị nạn của Na Uy, và là đồng chủ trì dự án nghiên cứu về người tị nạn của LHQ Ê.Ra-mu-xen nhấn mạnh, châu Phi chiếm 40% trong tổng số 27,5 triệu người tha hương trên toàn cầu, hầu hết là ở Xu-đăng, CHDC Công-gô và Xô-ma-li-a. Gần ba triệu trẻ em ở 20 nước trên thế giới đã trở thành trẻ tha hương do xung đột và bạo lực năm 2010. Từ tháng 12-2010, hơn nửa triệu người ở Cốt Đi-voa đã phải rời bỏ quê hương kể từ sau tranh chấp dẫn đến xung đột giữa tổng thống mãn nhiệm và tổng thống đắc cử ở nước này. Trong khi đó, số người ở Trung Đông phải bỏ nhà đi tị nạn lên tới bốn triệu người năm 2010, tăng gấp ba lần trong vòng một thập kỷ qua. Ở châu Á, số người chạy tị nạn đã tăng 70% trong năm năm qua, phần lớn do cuộc xung đột ở Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan. Ở Mỹ la-tinh, con số này tăng từ 3,6 đến 5,2 triệu người vào cuối năm 2010, chủ yếu là nạn nhân của các băng nhóm tội phạm có tổ chức trồng, sản xuất và buôn bán ma túy.
Theo Văn phòng Điều phối nhân đạo của LHQ, hơn 335 nghìn người Li-bi đã chạy khỏi nước này kể từ khi xảy ra các cuộc xung đột và bạo lực. Phần lớn người dân Li-bi và những nước khác ở nam sa mạc Xa-ha-ra chạy trốn khỏi các cuộc xung đột, nạn đói đã tìm đường tới châu Âu, khiến nhiều nước như I-ta-li-a, Hy Lạp… đau đầu trước làn sóng người nhập cư bất hợp pháp. Thụy Điển, đất nước Bắc Âu có dân số khoảng chín triệu dân nhưng năm ngoái đã có tới 30 nghìn người tị nạn tới nước này. I-ta-li-a phải đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo và các vấn đề vệ sinh môi trường, sức khỏe trên hòn đảo nhỏ bé Lam-pe-đu-xa sau khi có khoảng 15 nghìn thuyền nhân Tuy-ni-di đã nhập cư và ngày càng nhiều người coi đây là bến bờ trú ẩn sau các cuộc không kích của liên quân vào Li-bi. Mặc dù I-ta-li-a đã đưa trở lại phần lớn trong số gần 15 nghìn người Tuy-ni-di và Ai Cập về nước, song hiện đảo Lam-pe-đu-xa vẫn còn khoảng 4.800 người Tuy-ni-di, làm tăng gấp hai lần dân số trên hòn đảo chỉ có 5.000 người này và gây căng thẳng cho trung tâm người tị nạn chỉ có khả năng chứa khoảng 850 người. Khoảng 200 người từ miền đông Li-bi cũng đã tới Ca-ta-ni-a, đảo Xi-xin của I-ta-li-a. Tại khu vực Nam Âu, làn sóng người di cư từ châu Phi tiếp tục gia tăng. Nhiều người trong số đó bất chấp nguy hiểm tính mạng vượt qua eo biển Gi-bran-ta từ Ma-rốc đến Tây Ban Nha hoặc đi tàu biển từ Li-bi và Tuy-ni-di tới I-ta-li-a.
Làn sóng nhập cư bất hợp pháp tới châu Âu đúng vào thời điểm châu lục này phải đối mặt tỷ lệ thất nghiệp cao và nền kinh tế khó khăn, phải 'thắt lưng buộc bụng'. Không thể dựng lên 'hàng rào biên giới' kiểu như Mỹ đã dựng lên để ngăn chặn dòng người nhập cư từ Mê-hi-cô, các nước châu Âu như Tây Ban Nha, I-ta-li-a, vốn có nhiều quan hệ gần gũi với các nước Bắc Phi, đã thuyết phục các nước này ngăn chặn dòng người vượt qua Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp châu Âu. Thủ tướng I-ta-li-a đã kêu gọi các nước châu Âu chia sẻ gánh nặng khi làn sóng tị nạn kéo theo những nguy cơ tội phạm, khủng bố gia tăng và gây mất ổn định xã hội.
Thuật ngữ 'tị nạn môi trường' cũng đang được nhắc đến nhiều hơn khi làn sóng người tị nạn do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Các chuyên gia môi trường cũng cảnh báo, một thập kỷ tới, bắc bán cầu sẽ phải tiếp nhận làn sóng 50 triệu người vì thiếu lương thực do biến đổi khí hậu trên trái đất. Những người không thể kiếm sống lâu dài trên mảnh đất quê hương họ do tình trạng hạn hán, đất xói mòn, sa mạc hóa, nạn phá rừng và các vấn đề môi trường khác buộc phải rời đến những nơi khác. Môi trường sống thay đổi buộc con người sống trong nó cũng phải tính đến cuộc di cư nếu muốn tồn tại. Biến đổi khí hậu đã tạo nên một 'xu thế mới' di cư trong đời sống xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()