Làn sóng bãi công đe dọa nền kinh tế Nam Phi
Thợ mỏ Nam Phi đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Làn sóng bãi công ở Nam Phi đang lan rộng, làm tê liệt hoạt động ngành khai thác mỏ của nước này. Đình công không chỉ diễn ra tại các mỏ vàng và bạch kim mà còn lan sang cả mỏ khai thác quặng sắt, với xu hướng ngày càng nghiêm trọng và có nguy cơ gây ảnh hưởng nặng nề nền kinh tế lớn nhất châu Phi này.Sự bất bình ngày càng tăng của người lao động ở Nam Phi đã được thổi bùng thành làn sóng bãi công, khởi nguồn từ sau vụ đình công tại mỏ bạch kim Ma-ri-ca-na thuộc nhà sản xuất bạch kim lớn thứ ba thế giới Lonmin hồi tháng 8, biến thành xung đột làm 44 người chết và gần 100 người bị thương. Gần hai tháng qua, 75 nghìn công nhân tại nhiều mỏ bạch kim và mỏ vàng ở Nam Phi vẫn không quay lại làm việc. Tại các mỏ vàng Ku-xa-xa-le-thu của Công ty Harmony Gold, mỏ AngloGold và nhiều mỏ vàng khác, người lao động từ chối làm việc. Tình hình càng nguy...
Thợ mỏ Nam Phi đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. |
Sự bất bình ngày càng tăng của người lao động ở Nam Phi đã được thổi bùng thành làn sóng bãi công, khởi nguồn từ sau vụ đình công tại mỏ bạch kim Ma-ri-ca-na thuộc nhà sản xuất bạch kim lớn thứ ba thế giới Lonmin hồi tháng 8, biến thành xung đột làm 44 người chết và gần 100 người bị thương. Gần hai tháng qua, 75 nghìn công nhân tại nhiều mỏ bạch kim và mỏ vàng ở Nam Phi vẫn không quay lại làm việc. Tại các mỏ vàng Ku-xa-xa-le-thu của Công ty Harmony Gold, mỏ AngloGold và nhiều mỏ vàng khác, người lao động từ chối làm việc. Tình hình càng nguy hiểm hơn khi các công nhân tại mỏ sắt Sishen của Công ty Kumba, một trong 10 nhà sản xuất quặng sắt hàng đầu thế giới, cũng đình công. Sự việc này được đánh giá là hết sức nghiêm trọng vì tháng 12 năm ngoái, công ty này đã từng thưởng khá hậu hĩnh cho những nhân viên làm việc từ năm năm trở lên. Năm 2011, Kumba sản xuất 41,3 triệu tấn quặng. Nhiều công ty đã cảnh báo tình hình an ninh bất ổn bởi đình công và biểu tình gây hỗn loạn. Lực lượng Quốc phòng Nam Phi (SANDF) từng phải triển khai khoảng 1.000 binh sĩ đến mỏ bạch kim của Công ty Lonmin ở Ma-ri-ca-na nhằm giúp chấm dứt tình trạng bạo lực phát sinh từ các cuộc đình công.
Trong khi đó, cuộc đình công kéo dài hơn hai tuần qua của 28 nghìn tài xế xe tải bắt đầu gây xáo trộn hoạt động kinh tế – xã hội. Các trạm xăng khô kiệt, siêu thị, hiệu thuốc thiếu hàng hóa và nếu tình trạng này kéo dài, các máy rút tiền tự động ATM cũng sẽ trống rỗng. Trong khi hàng hóa chất đống tại các cảng biển thì các nhà máy lại lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu và dồn ứ hàng hóa thành phẩm. Hoạt động giao thương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làn sóng đình công hiện nay đã làm cho GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Phi này giảm 0,5%. Theo các nhà phân tích, nếu “đám cháy” này lan sang lĩnh vực khai thác than thì mức độ sẽ hết sức nghiêm trọng, bởi nhiệt điện hiện đóng góp tới 85% sản lượng điện của Nam Phi.
Ngành khai thác mỏ chiếm khoảng một phần năm GDP của Nam Phi, song những gì diễn ra hiện nay cho thấy bất ổn xã hội không nhỏ vẫn tồn tại ở quốc gia vốn thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc từ năm 1994. Mâu thuẫn giữa giới chủ và thợ ngày càng sâu sắc bởi mức lương và điều kiện sống chưa bảo đảm cho công nhân. Cựu Chủ tịch Liên đoàn thanh niên Nam Phi G.Ma-lê-ma đã kêu gọi tổ chức cuộc tổng đình công trên toàn quốc của giới thợ mỏ cho tới khi ban lãnh đạo Liên đoàn Thợ mỏ quốc gia (NUM) từ chức, vì cho rằng họ đã làm giàu trên lưng người lao động. Trước tình trạng căng thẳng hiện nay, giới chủ mỏ Nam Phi cho biết sẵn sàng xem xét lại các thỏa thuận về lương bổng với các thợ mỏ vàng. Theo kế hoạch, Phòng Khai mỏ (COM – tổ chức tập hợp đông đảo chủ mỏ) sẽ nhóm họp để giải quyết vấn đề này.
Trong nỗ lực chấm dứt mâu thuẫn giữa giới chủ và người lao động, Liên hiệp công đoàn thương mại có uy tín của Nam Phi là COSATU đã yêu cầu các chủ mỏ thương lượng lại hợp đồng với 120 nghìn người lao động, trước khi những hợp đồng này hết hạn sau một năm nữa. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, nếu tình trạng bất ổn trong ngành khai thác mỏ ở Nam Phi không nhanh chóng được giải quyết sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Phi này, đồng thời đẩy giá kim loại quý tăng cao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()