"Lằn ranh đỏ" trong nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015
Ngày 7-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ được coi là “lằn ranh đỏ” đối với Tehran trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Theo ông Khatibzadeh, việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và Iran được hưởng lợi từ đó sẽ được Iran coi là điều kiện tiên quyết để các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 tiếp theo đạt kết quả. “Washington đã ra một quyết định không ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của Iran…
Là một chính phủ có trách nhiệm, Mỹ nên quay trở lại thỏa thuận và thực hiện các nghĩa vụ của mình”, ông Khatibzadeh cho hay.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày trước khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung JCPOA) được nối lại tại thủ đô Vienna của Áo vào hôm nay (8-2).
Đại diện Liên minh châu Âu và Iran tham dự các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 tại Grand Hotel ngày 6-4-2021 ở Vienna, Áo. Ảnh: Getty Images |
Trước đó, ngày 4-2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khôi phục các lệnh miễn trừ trừng phạt đối với Iran, cho phép triển khai các dự án hợp tác hạt nhân quốc tế tại quốc gia này, trong bối cảnh các cuộc đàm phán gián tiếp Mỹ-Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Tehran đi vào giai đoạn mang tính chất quyết định.
Bằng các lệnh miễn trừ trừng phạt, Mỹ cho phép các công ty của Nga, Trung Quốc và châu Âu thực hiện công việc không phổ biến vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Iran, làm hạn chế khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.
Các công việc đó bao gồm thiết kế lại lò phản ứng nước nặng Arak của Iran, chuẩn bị và sửa đổi cơ sở Fordow để sản xuất đồng vị ổn định, vận hành, đào tạo và các dịch vụ liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Bushehr cùng một số hoạt động khác.
Quyết định khôi phục các lệnh miễn trừ trừng phạt Iran của Washington được giới chuyên môn đánh giá là một tín hiệu lạc quan ngay trước khi các bên bước vào vòng đàm phán thứ 9 tại Vienna. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi việc sẽ không còn vướng mắc.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian hôm 6-2 đã mô tả động thái này của Mỹ là “tốt nhưng chưa đủ”, đồng thời nhấn mạnh Tehran không tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời trong đàm phán. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước IRIB, ông Abdollahian nêu rõ Iran “chưa thấy sáng kiến nghiêm túc hoặc đáng kể nào từ phía Mỹ”.
Còn chuyên gia phân tích Henry Rome của Eurasia Group cho biết, việc khôi phục các lệnh miễn trừ trừng phạt chỉ là một “dấu hiệu khiêm tốn” trong tiến trình đàm phán. Theo Rome, “lệnh miễn trừ trừng phạt không phải là một cử chỉ thiện chí hoặc một sự nhượng bộ đối với Iran, mà chỉ đơn thuần là một bước kỹ thuật nhằm bảo đảm các cuộc đàm phán có thể được tiến hành tại Vienna”.
Về phía mình, Washington cũng nhấn mạnh, việc khôi phục các lệnh miễn trừ trừng phạt chỉ phục vụ cho “lợi ích trong thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân và an toàn hạt nhân của Mỹ” và không nên được coi là một “cam kết hoặc một phần của quy chế đáp ứng yêu cầu của Iran”.
Tehran và Washington đã tổ chức 8 vòng đàm phán gián tiếp kể từ tháng 4-2021 tại Vienna trong nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, theo đó, Iran đồng ý hạn chế chương trình phát triển hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đã siết chặt hoạt động xuất khẩu dầu của nước này.
Các cuộc đàm phán đã tạm dừng vào ngày 28-1 khi các nhà ngoại giao tham gia đàm phán tạm nghỉ để quay về nước tham vấn.
Giới phân tích cho rằng, Iran càng đứng ngoài thỏa thuận thì càng có nhiều kiến thức chuyên môn về hạt nhân, làm rút ngắn thời gian chạy đua của nước này trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân và như thế đã làm suy yếu mục đích ban đầu của thỏa thuận.
Vòng đàm phán thứ 9 diễn ra ngày 8-2 tại Vienna tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới, với hy vọng các bên tham gia có thể thu hẹp những bất đồng và khác biệt, để cuối cùng có thể đưa ra những quyết định quan trọng nhằm giải quyết bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()