Lân Luông “khát” nguồn nước
– Từ nhiều năm nay, thiếu nước là một trong những khó khăn lớn nhất của người dân thôn Lân Luông, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia.
Vừa trực tiếp dẫn chúng tôi xuống Lân Luông, ông Lăng Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã Thiện Hòa vừa chia sẻ: Lân Luông là thôn khó khăn bậc nhất của xã đặc biệt khó khăn Thiện Hòa. Thôn có 77 hộ với 100% là người dân tộc Dao sinh sống. Thôn Lân Luông giáp với huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Từ thôn ra đến trung tâm xã Thiện Hòa dài 17 km. Địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt, kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn hơn cả chính là việc thiếu nước sinh hoạt.
Bể nước và bơm ở thôn Lân Luông bỏ hoang vì không có nước
Theo một số hộ dân sinh sống ở thôn kể lại, trước đây, thôn không thiếu nước. Nước từ khe núi, các mạch ngầm, trong hang khá nhiều, người dân còn xây bể, đào giếng để trữ nước. Nhưng từ năm 2003 trở lại đây, các mạch nước ở trong thôn dần biến mất, chỗ nào còn thì mực nước ở địa điểm chứa (ao, mương, hang) giảm xuống khoảng 1 m, thậm chí vào mùa khô, nước tích trữ trong hang tụt sâu cả chục mét. Thiếu nước, đời sống người dân trong thôn vô cùng khó khăn.
Anh Bàn Văn Chung, người dân trong thôn chia sẻ: Để có nước sinh hoạt, hằng ngày, tôi phải vào hang để múc nước, sau đó gánh từ trong hang về nhà sử dụng với quãng đường khoảng 300 m. Mùa mưa, nước lên cao còn đỡ vất vả, vào mùa khô, nước tụt sâu khiến việc lấy nước thêm khó. Lượng nước lấy được ít nên việc sử dụng nước của gia đình cũng rất hạn chế, thậm chí phải tiết kiệm đến từng bát con nước. Không chỉ dùng nước trong tình trạng “thiếu thốn” mà việc gánh nước từ trong hang còn tiềm ẩn những nguy hiểm do tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào.
Cùng với gia đình anh Chung, ở Lân Luông hiện nay còn 20 hộ dân khác phải thường xuyên vào hang gánh nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh những hộ phải gánh nước, các hộ dân khác có điều kiện kinh tế tốt hơn, nhà nằm ở vị trí thuận lợi hơn có thể đầu tư lắp đặt máy bơm, đường ống nước để dẫn nước về nhà. Tuy nhiên, việc đầu tư lại khá tốn kém và cũng chỉ dùng nước được khoảng 6 tháng/năm.
Anh Đặng Văn Kim, một hộ dân khác ở Lân Luông cho biết: Để dẫn nước về sinh hoạt, năm 2004, gia đình tôi phải đầu tư máy bơm, đường ống nước ở 3 nguồn khác nhau (từ khe núi, trong hang), trong đó, mỗi nguồn đầu tư từ 6 đến 10 triệu đồng. Không chỉ mất tiền đầu tư ban đầu mà việc “nuôi” hệ thống máy móc phục vụ dẫn nước tiêu tốn của gia đình từ 100 đến 400 nghìn đồng/tháng. Đối với người dân trong thôn, đây là một số tiền không hề nhỏ. Mà đầu tư lớn như vậy, xong việc dùng nước không hề được thoải mái, bởi trong năm chỉ từ tháng 3 đến tháng 9 mới có nước. Những tháng còn lại thì gần như các nguồn nước đều cạn kiệt.
Nước sinh hoạt đã thiếu nhưng nước để phục vụ sản xuất còn thiếu hơn. Ông Triệu Văn Trường, Trưởng thôn Lân Luông cho biết: Từ nhiều năm nay, kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất sản xuất khoảng 26 ha. Tuy nhiên, không có nước nên người dân chỉ cấy được 1 vụ lúa, còn các cây trồng khác có trồng được một ít nhưng cũng rất khó phát triển, vì thế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Hiện nay, thôn còn 18/77 hộ nghèo.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân mà việc thiếu nước còn ảnh hưởng đến phát triển du lịch tại đây (tại Lân Luông có một ngọn núi mang tên Nàng Tiên hiện nay đang được du khách ở cả trong và ngoài tỉnh biết đến và dự kiến nơi đây sẽ được xây dựng thành điểm du lịch. Chính vì vậy, nếu thiếu nước thì việc phát triển du lịch cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Trước thực tế khó khăn về nguồn nước của Lân Luông như vậy, 2 năm trở lại đây, lãnh đạo UBND huyện Bình Gia cũng như xã Thiện Hòa đã nhiều lần trực tiếp vào Lân Luông để kiểm tra, khảo sát để đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn cho bà con. Ông Bế Văn Lý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Gia cho biết: Hiện nay, đã có 2 phương án được các cơ quan chuyên môn đưa ra, đó là khoan sâu hơn nữa để tìm nguồn nước ngay tại thôn và xây dựng công trình chứa và dẫn nước từ thôn bên cạnh sang. Tuy nhiên, hiện nay, do khó khăn về nguồn vốn nên huyện đang tiếp tục tìm giải pháp, huy động nguồn lực để triển khai thực hiện.
Mặc dù đã có phương án cụ thể như vậy song việc triển khai còn rất chậm, gần như mới dừng lại ở mức khảo sát. Chính vì vậy, rất mong các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng mang nước về Lân Luông. Từ đó, giúp người dân vơi bớt khó khăn, từng bước vươn lên phát triển.
Ý kiến ()