LSO-Những đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về đã làm cho cây rừng rụng lá, còn trơ ra những dải đá lô nhô; đây chính là lúc người dân Lân Kẽm chuẩn bị lên rừng lấy củi để sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá. Lớp mẫu giáo tại phân trường mầm non thôn Lân Kẽm - Vũ Lễ - Ảnh: Vũ Minh HồngPhải là người có “thần kinh thép” mới dám ngồi sau xe máy của anh Bí thư Đoàn xã từ Ngả Hai- trung tâm xã Vũ Lễ (Bắc Sơn) vào thôn Lân Kẽm, con đường toàn đá khiến cho người và xe nhảy nhót như...lên đồng. Nhiều khi người văng một nơi, xe lao một nẻo... Đến gần trung tâm thôn, một dải đường bê tông dày hiện ra như một phép màu mà ông tiên mang đến cho người dân Lân Kẽm. Trong thôn, tiếng nước chảy vào các máy phát điện nhỏ nghe ầm ào, tiếng thầy cô giáo giảng bài tại phân trường tiểu học, tiếng người í ới gọi nhau lên rừng nghe thân thương thứ âm thanh muôn đời của miền sơn cước. Mùa gặt hái đã xong, lúa đã...
LSO-Những đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về đã làm cho cây rừng rụng lá, còn trơ ra những dải đá lô nhô; đây chính là lúc người dân Lân Kẽm chuẩn bị lên rừng lấy củi để sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá.
Lớp mẫu giáo tại phân trường mầm non thôn Lân Kẽm – Vũ Lễ – Ảnh: Vũ Minh Hồng
Phải là người có “thần kinh thép” mới dám ngồi sau xe máy của anh Bí thư Đoàn xã từ Ngả Hai- trung tâm xã Vũ Lễ (Bắc Sơn) vào thôn Lân Kẽm, con đường toàn đá khiến cho người và xe nhảy nhót như…lên đồng. Nhiều khi người văng một nơi, xe lao một nẻo… Đến gần trung tâm thôn, một dải đường bê tông dày hiện ra như một phép màu mà ông tiên mang đến cho người dân Lân Kẽm. Trong thôn, tiếng nước chảy vào các máy phát điện nhỏ nghe ầm ào, tiếng thầy cô giáo giảng bài tại phân trường tiểu học, tiếng người í ới gọi nhau lên rừng nghe thân thương thứ âm thanh muôn đời của miền sơn cước. Mùa gặt hái đã xong, lúa đã im trong nhà, ngô đã ngủ yên trên gác, Trưởng thôn Triệu Tiến Bằng với cái thước trên tay đang lúi húi đo đạc phần đất hẹp, nét mặt đăm chiêu với những tính toán dọc ngang… Anh nói: “Xã nói là phải xây bếp để nấu cơm cho các cháu mầm non. Mình nghĩ cũng phải, để các cháu đi vài ba cây số mà đói cái bụng thì bố mẹ chúng không yên tâm ra ruộng, lên rẫy đâu. Vì vậy, mình vận động bà con mỗi hộ gia đình góp 100 ngàn đồng, cộng với tiền xã cho để làm cái bếp cho các cháu. Chỗ đất này tuy nhỏ nhưng cũng có thể dựng được bếp, tiện lợi đấy… Vừa xem cái “đường dự án” về, ôi chao, tiến độ chậm quá, mình thì không sao, quen rồi; chỉ thương cô giáo chân yếu tay mềm, cái xe không theo cái tay, ngã dập ngã dụi, va vào đá, xe hỏng, người đau, lấy ai vào dạy các cháu”.
Mời chúng tôi vào trong căn nhà sàn rộng, sạch sẽ và thoáng mát, anh trưởng thôn phác họa đôi nét về Lân Kẽm. Anh nói rằng, đây chính là trung tâm thôn, nhưng nếu đi hết thôn thì phải hết đến… 3 ngày. Nằm trên dãy núi phía tây xã Vũ Lễ, thôn Lân Kẽm có 68 hộ gia đình đồng bào Dao định canh định cư đã nửa thế kỷ nay nhưng sống rải rác đến 5 bản cách nhau rất xa. Vẫn nói rằng nghề nghiệp chính của bà con là sản xuất nông lâm nghiệp, song trên thực tế diện tích lúa nước rất ít, vụ mùa có đến 9,5 mẫu, nhưng vụ xuân do thiếu nước, chỉ cấy được 1,5 mẫu. Cây ngô lai cũng khó trụ được trên đất núi đá, trình độ canh tác của bà con cũng có hạn nên năng suất thấp. Vì vậy, ngoài việc đồng áng theo thời vụ, phần lớn thời gian bà con lên rừng tìm kiếm lâm thổ sản mang ra chợ bán. Thu nhập không ổn định, nên đến nay toàn thôn vẫn còn 65/68 hộ nghèo (tỷ lệ 96%) và còn nhiều hộ đói giáp hạt.
Hơn ai hết, người Dao Lân Kẽm cảm nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với họ qua mỗi công trình như nước sạch, trường học, nhà văn hóa thôn, giống cây trồng và nay là con đường bê tông rộng của dự án 135 đang được thi công. Có được những dự án tập trung mang lại hiệu quả một mặt do tinh thần đoàn kết của bà con, mặt khác do hoạt động có hiệu quả của chi bộ đảng và các đoàn thể nơi đây. Bà Triệu Thị Vân, Bí thư chi bộ thôn bộc bạch với chúng tôi rằng, chi bộ có 9 đảng viên, trong đó nhiều đảng viên cao tuổi, việc duy trì sinh hoạt theo đúng Điều lệ Đảng là rất khó. Ngay như 2 đảng viên khu vực Suối Nọi ở cách trung tâm thôn đến gần 20 km, chuẩn bị sinh hoạt phải nhờ người đi chợ Ngả Hai nhắn giúp. Tuy vậy, mỗi đảng viên đã thực sự phát huy vai trò hạt nhân trong khu dân cư, động viên mỗi người dân tin theo Đảng, làm theo Đảng. Không có điện lưới, thiếu thông tin, chi bộ và trưởng thôn nhận báo chí của Đảng về sau khi xem xong phân phát cho bà con cùng đọc, chú ý đánh dấu những bài báo hay, thiết thực với bà con. Tuy số đảng viên ít lại là những người cùng dòng họ, anh em, song không vì vậy mà cả nể, xuê xoa, mà có nhắc nhở, góp ý và đánh giá công bằng. Vì vậy sức lan tỏa của đảng viên khá rõ nét. Điển hình như việc phải mở rộng và bê tông hóa con đường vào thôn, tuy đất rất hiếm, rất quý, nhưng người dân đều tự giác hiến đất để làm đường, không đòi hỏi chút quyền lợi gì.
Lân Kẽm ngày xưa là nơi tạm dừng của những bàn chân chỉ quen leo núi đá, phát nương làm rẫy. Bàn tay cần cù của con người cộng với sự đầu tư của nhà nước đã biến nơi đây thành nơi “đất lành chim đậu”. Sống trong dãy núi đá còn nhiều gian lao và thiếu thốn, người dân Lân Kẽm mong sao cho con đường bê tông được nối dài hơn đến tận quốc lộ 1B để con lợn, con gà khỏi bị ép giá, cân phân mua về không rơi rụng dọc đường. Mong sao có điện lưới để nguồn nước chỉ làm nhiệm vụ tưới cho thửa ruộng; mong sao có trạm truyền thanh, truyền hình để ít nhất 40 hộ dân khu trung tâm được nghe trực tiếp tiếng nói của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh, huyện. Được đầu tư cây con phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để mang lại hiệu quả cho công tác xóa đói giảm nghèo.
MH
Ý kiến ()