Làn gió đòi tự trị thổi tới Italy
Leneto và Lombardy, 2 vùng giàu có nhất tại Italy, hôm 22/10 đã tiến hành trưng cầu dân ý để đòi quyền tự trị lớn hơn từ chính quyến trung ương.
Một điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại vùng Lombardy – Ảnh: Reuters |
Hơn 12 triệu cử tri đi bỏ phiếu được quyền lựa chọn một trong 3 phương án là “có”, “không” hoặc “bỏ trống” và các điểm bỏ phiếu được mở từ 7-11 giờ sáng theo giờ địa phương. Kết quả kiểm phiếu dự kiến sẽ được công bố vào đêm nay và các lá phiếu từ nước ngoài sẽ không được tính.
Hai cuộc trưng cầu dân ý mang tính chất tham khảo này chỉ là sự khởi đầu của một tiến trình có thể đòi quyền tự trị từ chính quyền trung ương Rome. Cả 2 khu vực Lombardy và Veneto đều muốn giành được sự ủng hộ của người dân về đòi quyền tự trị, nhưng số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả. Tại Veneto, có hơn 50% số cử tri đi bỏ phiếu thì kết quả mới được coi là hợp lệ.
Trong khi đó, Lombardy không quy định số lượng người đi bỏ phiếu, song tỷ lệ tham gia của cử tri thấp sẽ làm cho vùng này yếu thế trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Chính phủ Italy.
Giới quan sát cho rằng, động thái của chính quyền vùng Lombardy và Veneto có thể gây “hiệu ứng domino” trong ngắn hạn. Một cuộc bỏ phiếu đòi quyền tự trị tương tự cũng đang được chính quyền vùng Liguria và Emilia Romagna thuộc miền Bắc Italy cân nhắc tiến hành.
Có lẽ lý do cơ bản nhất để các khu vực này đòi quyền tự trị lớn hơn là tài chính. Cả nhà lãnh đạo Veneto và Lombardy đều tuyên bố rằng họ cảm thấy bắt buộc phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý sau khi đối thoại với các nhà lập pháp cuả Rome không đạt được kết quả nào.
Cả 2 nhà lãnh đạo khu vực đều cho biết họ đóng góp tiền thuế cho Rome nhiều hơn số tiền họ nhận lại khoảng 50 tỷ EUR (59 tỷ USD).
Lombardy và Veneto, 2 vùng có các địa danh nổi tiếng là Milan và Venice, chiếm gần 1/4 dân số Italy và khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Các cuộc trưng cầu dân ý tại Lombardy và Veneto được cho là chịu ảnh hưởng từ việc Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) cũng như phong trào ly khai của vùng Catalonia tại Tây Ban Nha.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani cho rằng châu Âu “lo ngại” về tình trạng gia tăng các quốc gia nhỏ trong bối cảnh vùng Catalonia hồi đầu tháng trước tiến hành cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập và mới nhất là 2 vùng Lombardy và Veneto tiến hành cuộc trưng cầu ý dân để yêu cầu chính quyền trung ương trao thêm quyền tự trị.
Trả lời phỏng vấn nhật báo “Il Messaggero” tại Rome (Italy) ngày 22/10, Chủ tịch Tajani khẳng định châu Âu “dĩ nhiên lo ngại” về sự gia tăng các quốc gia nhỏ và đó là lý do không thành viên nào tại “Lục địa Già” muốn công nhận Catalonia độc lập. Ông nhấn mạnh trong lịch sử Tây Ban Nha là một quốc gia thống nhất với nhiều khu vực tự trị và nhiều dân tộc với những ngôn ngữ khác nhau. Chủ tịch EP tuyên bố việc chia nhỏ các nước không phải và không thể là cách có thể củng cố sức mạnh của châu Âu.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()