Lần đầu tiên diễn ra cuộc thi múa hài Việt Nam
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao hoa cho các nghệ sĩ tham dự. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Ban tổ chức cho biết có 40 thí sinh đảm nhận vai trò diễn viên-nghệ sĩ chính trong 39 tác phẩm chính thức dự thi. Trong đó, chủ nhà Đà Nẵng có 10 tác phẩm tham dự.
Phó GS.TS. NSND Ứng Du Thịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, cho biết trong các thể loại múa, múa hài có phong cách thể hiện rất đặc biệt, đó là sử dụng ngôn ngữ hình thể để xây dựng tính cách nhân vật, chia sẻ các đối thoại liên quan cũng như truyền đi một thông điệp.
Nếu các loại hình mang yếu tố hài khác (tấu hài, diễn tấu kết hợp điệu bộ hài) gây nên tiếng cười ngay lập tức thì múa hài (sử dụng tối ưu ngôn ngữ hình thể) lại mang đến cho người xem những suy ngẫm, thậm chí là những trăn trở. Tiếng cười cũng sẽ đến nhưng đến chậm hơn với cảm xúc sâu lắng hơn.
Nội dung 39 tác phẩm dự thi là những câu chuyện, những nhân vật trong đời sống văn hóa, tinh thần, trong cuộc sống lao động, quan hệ ứng xử, những câu chuyện vui trong kho tàng văn hóa dân gian, trong hiện thực đời sống đương đại… Tác giả, biên đạo có thể chọn sử dụng nhiều ngôn ngữ các dòng múa cổ điển châu Âu, dân gian châu Á và Việt Nam, các ngôn ngữ múa hiện đại… miễn sao thể hiện được nội dung, tính cách nhân vật, ý tưởng, chủ đề tác phẩm.
Múa hài thể hiện sinh động, nhiều góc nhìn, nhiều khía cạnh, qua các hình ảnh khôi hài, những tiếng cười thâm thúy trong việc tập trung phê phán cái xấu, cái thấp hèn, hướng tới cái đẹp đẽ, cao cả.
Kết quả cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 3 giải A, mỗi giải 12 triệu đồng, cho các tác giả và tác phẩm: “Tễu đời” của NSƯT Nguyễn Văn Dũng, Nông Thị Minh Hằng, “Báu vật của cha” của Tống Mai Len, “Chuyện công viên” của Trần Tấn Thông.
Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 6 giải B, mỗi giải 9 triệu đồng và 5 giải C, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng.
Ý kiến ()