Lần đầu tiên có sách giáo khoa Giáo dục thể chất: Cần, nhưng chưa đủ
Theo các chuyên gia giáo dục, việc có sách cho môn Giáo dục thể chất là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn phải đầu tư cơ sở vật chất phục vụ môn học này trong các nhà trường.
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, khi cả nước chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam sẽ có sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất. Điều này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, thậm chí có nhiều ý kiến trái chiều.
Không đơn thuần là môn thể dục
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới , Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Mục tiêu của môn học là trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe; kiến thức và kỹ năng vận động; hình thành thói quen tập luyện, khả năng lựa chọn môn thể thao phù hợp để luyện tập nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực và tố chất vận động. Môn học sẽ giúp học sinh có ý thức, trách nhiệm đối với sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, thích ứng với các điều kiện sống, vui vẻ, hòa đồng với mọi người.
Ở giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), môn học này giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khỏe; hình thành kỹ năng vận động cơ bản, phát triển tố chất thể lực. Học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.
Với giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), môn Giáo dục thể chất được thực hiện thông qua câu lạc bộ thể dục thể thao.
Lý giải về sự ra đời của sách giáo khoa Giáo dục thể chất, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng lâu nay trong các nhà trường, Giáo dục thể chất chưa được chú trọng đúng vai trò.
Cụ thể, đây là môn học trong bốn lĩnh vực cốt yếu đức, trí, thể, mỹ nhưng trong các nhà trường lại chỉ là môn rất phụ, với những bài học thể dục như nhau được áp dụng cho mọi học sinh. Vì thế, môn Giáo dục thể chất đa phần được gọi với tên môn Thể dục. Đây cũng là môn duy nhất không có sách giáo khoa.
Theo ông Thuyết, việc có sách giáo khoa sẽ giúp môn học có sự công bằng hơn với các môn học khác. Đặc biệt, Giáo dục thể chất trong chương trình mới có nhiều sự thay đổi, không chỉ dừng lại ở tập các động tác thể dục nhưng trước đây, học sinh được học cách chăm sóc sức khỏe, nề nếp sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp để nâng cao sức khỏe. Các em cũng lựa chọn các môn học phù hợp với sức khỏe. Vì vậy, việc có sách giáo khoa là cần thiết để chuyển tải các nội dung chương trình đến học sinh.
Trả môn học về đúng vị trí
Sự ra đời đầy mới lạ của sách giáo khoa giáo dục thể chất khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí có nhiều ý kiến trái chiều.
Theo tiến sỹ Vũ Thu Hương, một chuyên gia giáo dục tại Hà Nội, việc có hay không có sách giáo khoa không cải thiện được vị thế của môn học. Thực tế cho thấy, có nhiều môn có sách như mỹ thuật vẫn không được coi trọng. Trong khi đó, Giáo dục thể chất lại là môn thiên về vận động. Vì thế, bà Hương bày tỏ lo ngại khi có sách sẽ làm giảm giờ học tập luyện vốn đã khá ít ỏi của môn học này.
Cùng quan điểm này, giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cho rằng để phát triển môn Giáo dục thể chất nên tập trung đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ môn học này cho các nhà trường.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thực tế giảng dạy, ông Dương Minh Dũng, giáo viên Giáo dục thể chất trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) nhận định việc có sách giáo khoa sẽ tốt hơn cho giáo viên và học sinh. “Học sinh sẽ hiểu hơn môn Giáo dục thể chất tốt cho các em như thế nào. Bên cạnh đó, nhiều nội dung nếu có phần lý thuyết sẽ tốt hơn là không có như hiện nay,” ông Dũng chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) tỏ ra khá vui mừng trước thông tin sẽ có sách giáo khoa Giáo dục thể chất. Theo ông Bình, trong suy nghĩ của nhiều người, đây là môn học bị coi nhẹ trong khi đáng ra phải là môn học quan trọng vì góp phần tạo nên sức khỏe, thể lực cho học sinh, có sức khỏe tốt mới có thể học tập tốt.
“Nếu như nói thể dục chủ yếu là thầy cô hướng dẫn và không cần sách thì tôi nghĩ chưa đầy đủ. Thầy cô nói trên lớp các em sẽ mau quên. Có sách, các em sẽ có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn. Tôi ủng hộ có sách cho môn này. Vấn đề là cách viết như thế nào để ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu giúp học sinh nắm bắt tốt hơn kỹ thuật các động tác để đạt hiệu quả khi vận động thực tế,” ông Bình phân tích.
Ông Bình cũng cho rằng việc có sách là chưa đủ, cần phải có phương tiện, công cụ, giáo dục để cho hoạt động thể chất và rèn luyện trong nhà trường, đặc biệt là thay đổi nhận thức của cả học sinh, giáo viên, phụ huynh và cả các cấp quản lý giáo dục về môn học này.
“Phải có sự quan tâm đồng bộ mới hy vọng có sự cải thiện nhất định môn học này, từ đó góp phần cải thiện về chiều cao thể chất con người Việt Nam trong thập niên tới,” ông Bình nói./.
Ý kiến ()