Lần đầu tiên chế tạo được xi măng trên vũ trụ
Chuyên gia Alexander Gerst thử nghiệm chế tạo xi măng trên vũ trụ |
Trong tương lai, nếu loài người có thể sinh sống ở ngoài vũ trụ, chúng ta sẽ cần đến những tòa nhà để sinh hoạt và làm việc. Nhưng với những điều kiện vô cùng khắc nghiệt về nhiệt độ, phóng xạ…, việc xây nhà ngoài vũ trụ là một điều không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, mới đây các phi hành gia trên ISS đã lần đầu tiên chế tạo được xi măng trong môi trường không trọng lực. Các nhà khoa học hy vọng với phát minh này, chúng ta có thể xây được nhà trên Mặt trăng hoặc sao Hỏa trong tương lai.
Xi măng là một trong những thành phần tạo thành bê tông, bên cạnh nước, cát, và đá sỏi. Đây là một hỗn hợp kết dính với độ bền cực cao và được sử dụng trong hầu hết các công trình xây dựng trên Trái đất. Theo một nghiên cứu mới được NASA công bố, bê tông thậm chí còn có thể đủ khả năng bảo vệ nhà du hành vũ trụ khỏi các loại phóng xạ cũng như chất độc hại ở bên ngoài Trái đất.
Chuyên gia Aleksandra Radlinska tại Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ) giải thích: “Trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng hay sao Hỏa, các phi hành gia cùng trang thiết bị cần phải được bảo vệ khỏi điều kiện nhiệt độ và phóng xạ vô cùng khắc nghiệt. Cách duy nhất để đạt được điều này là xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài vũ trụ. Một trong những giải pháp cho việc đó là sử dụng bê tông hoặc các vật liệu tương tự”.
Bên cạnh đó, bê tông hoặc các hỗn hợp tương tự có thể được pha trộn từ những nguyên vật liệu trên vũ trụ, ví dụ như cát bụi trên Mặt trăng. Chính vì vậy, nếu sau này con người có thể sống trên Mặt trăng hay sao Hỏa, chúng ta có thể xây nhà sử dụng các nguyên vật liệu tại chỗ thay vì vận chuyển từ Trái đất, vốn sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền của.
Ý kiến ()