Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN) Ngày 19-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản. Đây là địa phương thứ hai, sau TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ làm việc chuyên đề về nội dung này.Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, các đồng chí Phó Thủ tướng: Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo một số ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn.Thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển nhà ở, đáp ứng một phần nhu cầu về chỗ ở của người dân. Thành phố triển khai nhiều dự án nhà ở cho các cán bộ, công chức, công nhân các khu công nghiệp, sinh viên, người...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN) |
Ngày 19-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản. Đây là địa phương thứ hai, sau TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ làm việc chuyên đề về nội dung này.
Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, các đồng chí Phó Thủ tướng: Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo một số ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn.
Thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển nhà ở, đáp ứng một phần nhu cầu về chỗ ở của người dân. Thành phố triển khai nhiều dự án nhà ở cho các cán bộ, công chức, công nhân các khu công nghiệp, sinh viên, người thu nhập thấp. Trong mười năm gần đây, thành phố đã phát triển thêm 25 triệu m2 nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,5 m2/người. Tuy nhiên, từ quý II-2011 đến nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản của Hà Nội có nhiều tín hiệu xấu. Thành phố còn tồn đọng gần 5.800 căn hộ, với hơn 566 nghìn m2 sàn, phần lớn là các căn hộ có diện tích lớn, gần 3.500 căn nhà thấp tầng (gồm biệt thự, nhà liền kề) với hơn 870 nghìn m2 sàn; 330 căn hộ dành cho người thu nhập thấp; 175 nghìn m2 văn phòng… Thị trường nhà ở thương mại cao cấp đã rơi vào tình trạng ế thừa, trong khi nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập trung bình, thu nhập thấp còn rất lớn. Hiện, có khoảng 375 nghìn hộ dân, chiếm 52% số hộ dân ở Hà Nội có diện tích bình quân nhà ở dưới mức trung bình và hơn 114 nghìn cán bộ, công nhân, viên chức có nhu cầu mua nhà ở, nhưng chưa mua được nhà.
Thành phố Hà Nội đề xuất sáu nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thời gian tới. Trong đó có một số giải pháp đáng chú ý như chuyển đổi một số dự án nhà ở thương mại sang nhà tái định cư, nhà ở cho các cán bộ, viên chức hưởng lương từ ngân sách; một số nhà thương mại chuyển sang làm nhà ở công vụ. Có chính sách kích cầu, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu thật sự về nhà ở mua được nhà với nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp. Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản giải quyết quỹ nhà tồn đọng…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành, ngân hàng, doanh nghiệp đã nhận định, khó khăn của thị trường bất động sản xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc bùng phát về giá và lượng giao dịch trong thời gian ngắn tại Hà Nội đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thật sự của thị trường, dẫn đến các doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư phát triển bất động sản, kể cả các doanh nghiệp không có kinh nghiệm và năng lực tài chính yếu. Cùng với đó là cơ cấu hàng hóa bất động sản phát triển mất cân đối, các doanh nghiệp chú trọng quá nhiều vào đầu tư loại nhà cao cấp, diện tích lớn, trong khi chậm triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, vì vậy làm thị trường mất cân đối. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là hết sức cần thiết, bởi thị trường bất động sản đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này, mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của các tổ chức tín dụng, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, doanh nghiệp xây lắp, người lao động, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng tình và đánh giá cao việc thành phố Hà Nội chủ động xây dựng những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng ứ đọng, khó khăn của thị trường bất động sản có nhiều nguyên nhân, trước hết là do những yếu kém trong công tác quản lý, quy hoạch. Vì vậy, trước hết, Hà Nội cần rà soát lại quy hoạch, phát triển thị trường nhà ở theo cơ cấu hợp lý, tập trung phát triển các loại hình nhà ở xã hội cho người có công, công nhân, sinh viên, cán bộ công chức… Thứ hai là nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính để hỗ trợ thị trường. Thủ tướng chỉ đạo thành phố Hà Nội xây dựng chính sách khuyến khích nhà đầu tư triển khai các dự án nhà ở xã hội, đồng thời có chính sách kích cầu về nhà ở; bảo đảm cho người có thu nhập thấp có thể mua hoặc thuê được nhà ở với giá hợp lý. Thủ tướng đồng ý đề xuất của thành phố về chuyển một số diện tích nhà thương mại sang làm nhà tái định cư. Thủ tướng lưu ý, thành phố cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các giao dịch bất động sản. Đồng thời, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp nhu cầu của thị trường, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp sản phẩm trực tiếp đến khách hàng có nhu cầu thực, tránh qua trung gian, đầu cơ. Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh việc tập trung xử lý nợ xấu bất động sản, cần nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp, khả thi, nhằm hỗ trợ các hộ dân vay để mua nhà ở xã hội. Các bộ, ngành chức năng và thành phố Hà Nội cần tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin về các hoạt động thị trường bất động sản, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, tổng thể các giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()