Làm trong sạch môi trường du lịch
Trong năm 2014 đầy biến động của khu vực và thế giới, Việt Nam tiếp tục nổi lên là một trong những điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, thể hiện ở sự bình chọn của đông đảo bạn đọc và du khách các nước thông qua các báo, tạp chí du lịch, trang thông tin điện tử du lịch có uy tín của thế giới. Ðáng chú ý là hai tạp chí của Mỹ là Travel and Leisure và Forbes đã bình chọn Việt Nam đứng vị trí thứ sáu trong số 20 điểm đến tốt nhất thế giới dựa trên độ an toàn, thân thiện của người dân và vị trí thứ ba trong tốp 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Sự bình chọn này cũng phù hợp thực tế khi số lượng du khách quốc tế đến nước ta đạt 7,87 triệu lượt, tăng 15% so với năm 2013.
Việc được bình chọn là một trong các điểm đến hàng đầu với lượng đông du khách tới nước ta đã cho thấy vị thế của du lịch cùng những tình cảm mà bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta bằng lòng với những gì mà du lịch đã làm được thời gian qua, trong khi vẫn còn quá nhiều điều chưa hoàn hảo. Làm sao có thể bằng lòng khi vẫn tiếp diễn đây đó tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách ở các điểm tham quan, du lịch và lối ứng xử thiếu văn hóa trong một bộ phận người dân và những người kinh doanh dịch vụ. Chỉ cần dạo quanh phố cổ và một số điểm di tích của Hà Nội, có thể thấy cảnh người bán hàng rong níu kéo du khách nước ngoài mua hàng, xin tiền, rồi nạn “chặt, chém”; hét giá trên trời trong các nhà hàng, khách sạn, hay gian lận cước ta-xi với người nước ngoài. Ðã xảy ra vụ việc, do không vừa ý trong mua bán, trao đổi với du khách, có người còn thể hiện thái độ xấu, chửi bới, gây gổ và hành hung du khách. Có những đoàn du khách phải đeo ba-lô ngược trước bụng để giữ tài sản bởi nạn cướp giật, trộm cắp trên đường phố. Thậm chí, công an ở một phường tại trung tâm TP Hồ Chí Minh đã phải tự đi phát tờ rơi để cảnh báo du khách về tệ nạn này? Liệu du khách có còn bình chọn cho Việt Nam nữa không khi phải trả cước phí ta-xi gấp hai, gấp ba mức cước phí thật, chưa kể đến sự gian lận “cắt, xén” chương trình của không ít tua lữ hành đưa đón khách.
Mặc dù các vụ việc nêu trên chưa đến mức quá phổ biến, nhưng sự lan truyền lại không hề nhỏ, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay, đã tác động tiêu cực đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và môi trường du lịch. Trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan quản lý, chức năng, mà còn của từng người dân cho đến cả cộng đồng. Phải vận động, tuyên truyền để mọi người dân hiểu rằng, trong lợi ích chung khi du lịch phát triển có cả lợi ích riêng của mỗi người, mỗi gia đình với mức thu nhập sẽ cao hơn, cơ sở hạ tầng được đầu tư, chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Trong nhiều năm qua, chúng ta đã ý thức cần tạo dựng một môi trường du lịch trong sạch nếu muốn thu hút khách đến, nhưng làm được điều này cần những giải pháp mang tính đồng bộ, cần sự phối hợp liên ngành một cách quyết liệt với ý thức trách nhiệm cao. Cũng vì vậy, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 18/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, bước đầu tạo nên những chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, nêu bật sự cần thiết phải nâng cao nhận thức xã hội, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, ứng xử văn hóa với du khách; tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên bộ trong kinh doanh và xây dựng môi trường du lịch lành mạnh.
Trước mắt, nếu chưa thể thành lập lực lượng cảnh sát du lịch như nhiều nước đã làm, thì nên thiết lập một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng với lực lượng công an làm nòng cốt để bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là vào dịp cao điểm của mùa du lịch như đón năm mới, Tết Nguyên đán, mùa lễ hội và các kỳ, cuộc liên hoan, tổ chức sự kiện du lịch ở khắp các tỉnh, thành phố, các trung tâm du lịch. Quản lý giá cả và thực hiện việc niêm yết giá; lập mô hình hỗ trợ du khách, thiết lập những đường dây nóng 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin, vụ việc kịp thời; cung cấp cho du khách hệ thống các khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn và các khuyến cáo về những cơ sở không bảo đảm chất lượng, yêu cầu.
Thực tế cho thấy, bên cạnh sức lôi cuốn của sản phẩm du lịch, yếu tố đầu tiên thu hút du khách là một môi trường du lịch an toàn, trong sạch và một cộng đồng dân cư địa phương thân thiện, mến khách, ứng xử văn minh, tận tâm trong kinh doanh dịch vụ, thể hiện được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Như chúng ta thường nói: “hữu xạ tự nhiên hương”, những ấn tượng tốt đẹp đọng lại trong du khách chính là cách quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả nhất. Và chính mỗi vị khách sẽ là những “đại sứ” du lịch Việt Nam đưa “mùi hương” đó lan tỏa khắp nơi.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()