Làm tốt hơn nữa vai trò đại diện của nhân dân
Trong thực tế hoạt động của mình, Hội đồng nhân dân (HÐND) các cấp và các đại biểu HÐND đang gặp không ít khó khăn, hạn chế... Ðây cũng là vấn đề được QH quan tâm, giải quyết bằng những quy định cụ thể trong các dự án luật liên quan, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH), HÐND. Trong đó, những nội dung về vai trò, tiêu chuẩn, hoạt động của đại biểu HÐND, cơ quan HÐND được chú ý nhất.
Ðại biểu HÐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật, chính sách và tham gia vào việc quản lý nhà nước. Tuy nhiên, dường như quyền lợi của nhân dân, nhất là các nguyện vọng chính đáng, tâm tư bức xúc của người dân vẫn chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ. Việc thực hiện quyền làm chủ còn nặng hình thức. Tình trạng người dân gặp những việc oan trái vẫn còn xảy ra. Băn khoăn, lo lắng thực tế này, nhiều đại biểu QH mong muốn QH sớm thông qua hai luật nêu trên để tạo cơ chế thật sự dân chủ, chọn lựa người có đức, có tài, có tâm, có tầm vào cơ quan dân cử để đại biểu luôn gần dân, vì dân.
Tại các phiên thảo luận và trao đổi với các phóng viên báo chí bên hành lang QH, nhiều đại biểu QH băn khoăn khi hoạt động của HÐND còn mang tính hình thức, chưa ngang tầm với vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, chưa thật sự phát huy được vai trò là cơ quan dân chủ, đại diện trong việc thay mặt người dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương dự kiến bố trí, bổ nhiệm, bổ sung thêm hai ban của HÐND cấp xã, thêm Phó Chủ tịch HÐND cấp tỉnh, huyện. Có đại biểu QH cho rằng, dù có quy định như vậy nhưng vẫn chưa thể khắc phục được tính hình thức trong hoạt động của HÐND. Bởi chất lượng hoạt động của các ban chuyên trách HÐND, chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách, cơ chế hoạt động độc lập của HÐND, các ban của Hội đồng chưa được thể hiện cụ thể. Trong khi đó, hiện nay đại biểu HÐND đa số là cán bộ công chức, viên chức làm việc trong cơ quan của Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội ở địa phương, còn hạn chế về kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của đại biểu dân cử. Các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chưa dành nhiều thời gian làm nhiệm vụ đại biểu. Từ thực tế nêu trên, nhiều đại biểu nêu ý kiến: Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ cần quy định về cơ chế hoạt động cụ thể, rõ hơn để khắc phục tính hình thức trong hoạt động của HÐND.
Ðại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Ðịnh) và nhiều đại biểu nhấn mạnh: Một trong những yếu tố quan trọng là đại biểu HÐND phải thực hiện nghiêm túc chương trình hành động, lời hứa trước cử tri, nhất là cử tri nơi mình ứng cử. Ðây là trách nhiệm của HÐND, vừa để mỗi ứng cử viên, đại biểu HÐND cân nhắc, thận trọng trong xây dựng chương trình hành động, tránh việc để lấy lòng cử tri, đánh bóng tên tuổi, hứa nhiều việc vượt quá khả năng thực hiện của mình. Việc này cũng đồng thời tạo cơ sở pháp lý để cử tri giám sát hoạt động của đại biểu HÐND do mình bầu ra được thuận lợi hơn.
Số lượng đại biểu chuyên trách cũng là vấn đề được quan tâm, bởi đây có thể là nguyên nhân quyết định hiệu quả hoạt động của HÐND. Thực tế tại nhiều địa phương, đại biểu HÐND kiêm nhiệm còn nhiều, nhất là kiêm nhiệm hoạt động trong các cấp chính quyền. Ðiều đó dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, cho nên hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đem lại kết quả như mong đợi.
Ðại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Ðà Nẵng) và một số đại biểu khác nêu ý kiến: Rất cần tăng số lượng đại biểu HÐND chuyên trách nhưng dường như Ban soạn thảo Luật đang né tránh vấn đề này. Cần quy định trong luật tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách ở mỗi cấp; trong đó ít nhất 30% số đại biểu hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh, 20% ở cấp huyện, 15% ở cấp xã. Ðồng thời, quy định hạn chế thấp nhất số lượng đại biểu HÐND, đồng thời là lãnh đạo hoặc cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Tăng cường số lượng đại biểu HÐND thuộc khối Ðảng, các tổ chức đoàn thể xã hội.
Cần quyết liệt đổi mới thành phần của HÐND các cấp để cơ quan này thật sự là cơ quan dân cử, tập hợp những người làm tròn bổn phận là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Vấn đề này cần được xây dựng thành một quy định mang tính nguyên tắc. Có đại biểu đề xuất: Ở HÐND các cấp, ngoài các đại biểu chuyên trách nên chọn những người như nông dân, kỹ sư giỏi, biết tăng năng suất lao động, thậm chí biết chế tạo máy móc… Cần lắm những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoặc có uy tín cao trong dân cư, không công tác ở các cơ quan, tổ chức công quyền để góp phần nâng cao chất lượng đại biểu HÐND, thể hiện và đại diện được tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Ðại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng): Hiện nay, mỗi cử tri nước ta có bốn cấp đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng, từ xã, phường đến QH. Nhưng xem ra, quyền lợi của cử tri, các nguyện vọng chính đáng của họ vẫn chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ. |
Ðại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): HÐND hoạt động còn mang tính hình thức, theo tôi không chỉ do đại biểu mà do luật chưa trao cho HÐND những cơ chế, công cụ, biện pháp đủ mạnh, sắc bén và hữu hiệu để thực hiện chức năng của mình. |
Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước): Tôi cho rằng, nguyên nhân của căn bệnh hình thức và hiệu quả hoạt động của HÐND chưa được như mong muốn là do thiết chế tổ chức của HÐND hiện nay chưa phù hợp, chưa tương xứng với vai trò và vị trí của HÐND. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()