Làm tốt công tác xét xử lưu động
Các bị cáo phạm tội mua bán người và đông đảo nhân dân tham dự phiên tòa xét xử lưu động tại xã Vân Nham (Hữu Lũng) |
Ông Lê Xuân Sơn, Chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh cho biết: Giáo dục pháp luật cho nhân dân thông qua hoạt động xét xử lưu động là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Để làm tốt công tác này, ngay từ đầu năm, Tòa Hình sự đã xây dựng kế hoạch cụ thể về xét xử lưu động. Trong đó, các vụ án được quan tâm đưa đi xét xử lưu động là những vụ án xảy ra nhiều, dư luận xã hội quan tâm như: án về ma túy; giết người; mua bán người; mua bán trẻ em; mua bán, vận chuyển tiền giả…
Khác với xét xử tại TAND tỉnh, thường số lượng người tham dự không nhiều, chủ yếu là thân nhân của bị cáo và người bị hại (trừ những vụ án lớn, dư luận xã hội quan tâm), xét xử lưu động có sự tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân. Mặt khác, mục đích của xét xử lưu động là tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Vì vậy, tòa án đặc biệt quan tâm lựa chọn thẩm phán, hội thẩm nhân dân ngoài có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, có khả năng tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc chấp hành pháp luật. Tại các phiên tòa, Hội đồng xét xử luôn quan tâm phân tích để cho bị cáo, những người tham dự phiên tòa hiểu rõ các quy định của pháp luật, tác hại của hành vi vi phạm pháp luật; các thủ đoạn, hành vi lừa gạt…để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng đấu tranh phòng ngừa.
Bà Lê Thị Thanh, thôn Đập, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng cho biết: nhận được thông tin tại xã có phiên tòa xét xử lưu động vụ án mua bán người, tôi đã dành thời gian đến tham dự. Qua theo dõi phiên tòa cho thấy, các bị cáo đã dùng thủ đoạn lừa yêu bị hại để dụ dỗ phụ nữ rồi bán sang Trung Quốc. Tôi sẽ về tuyên truyền cho mọi người trong gia đình và hàng xóm nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa gạt của những kẻ buôn người.
Bên cạnh đó, để các phiên tòa lưu động thu hút được đông đảo nhân dân tham dự, trước khi diễn ra phiên tòa, TAND tỉnh chủ động phối với cấp ủy, chính quyền cơ sở – nơi tổ chức phiên tòa và được các xã nhiệt tình ủng hộ. Ông Lương Văn Mao, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc cho biết: các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội bị bắt trên địa bàn xã, nên nhận được thông tin về việc xét xử lưu động tại xã, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng, các thôn bản thông báo rộng rãi để nhân dân biết, tham dự. Đây chính là hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sống động. Bản án nghiêm khắc mà bị cáo phải chịu là sự răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật có hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc bố trí lực lượng bảo vệ trước, trong và sau phiên tòa được đơn vị quan tâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng từ huyện đến cơ sở (Công an tỉnh, huyện, xã, lực lượng dân quân, bộ đội biên phòng (đối với các xã biên giới)). Vì vậy, có nhiều phiên tòa tổ chức ở vùng sâu, vùng xa, cách xa gần 100km nhưng việc dẫn giải bị cáo luôn đảm bảo an toàn. Mặc dù phiên tòa thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự nhưng luôn đảm bảo trật tự, tính nghiêm minh của pháp luật.
Với sự nỗ lực, cố gắng đó, đến ngày 20/9/2016, TAND tỉnh đã tổ chức được 17 phiên tòa xét xử lưu động, vượt 5 phiên tòa so với chỉ tiêu TAND tối cao giao. 100% phiên tòa đều tổ chức thành công, có tác dụng rất lớn trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Ý kiến ()