Làm thủy lợi trên vùng đất khó
Trên công trình đê biển tỉnh Sóc Trăng. Những năm trước đây, tỉnh Sóc Trăng xây dựng hệ thống đê sông, đê biển dài gần 500 km phục vụ thiết thực cho sản xuất, phát triển nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, do tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, bão lũ, triều cường... nhiều công trình đã xuống cấp rất cần có những biện pháp để khôi phục, nâng cấp, bảo đảm an toàn hệ thống đê sông, biển này.Sóc Trăng là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh có hơn hai phần ba diện tích đất nông nghiệp, nhưng phần lớn còn hoang hóa, bị nhiễm phèn, mặn; diện tích lúa một vụ năng suất thấp chiếm hơn 60%. Mùa nắng đồng khô cỏ cháy, mùa mưa ngập úng, cỏ mọc cao hơn đầu người. Tên gọi "xứ cầm trâu", "cánh đồng năng" hay "đám lá tối trời"... không xa lạ với người dân đất Sóc Trăng. Bên cạnh cơ sở hạ tầng thấp kém, Sóc Trăng còn phải thường xuyên vật lộn với triều cường, lốc xoáy,...
![]() Trên công trình đê biển tỉnh Sóc Trăng. |
Sóc Trăng là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh có hơn hai phần ba diện tích đất nông nghiệp, nhưng phần lớn còn hoang hóa, bị nhiễm phèn, mặn; diện tích lúa một vụ năng suất thấp chiếm hơn 60%. Mùa nắng đồng khô cỏ cháy, mùa mưa ngập úng, cỏ mọc cao hơn đầu người. Tên gọi “xứ cầm trâu”, “cánh đồng năng” hay “đám lá tối trời”… không xa lạ với người dân đất Sóc Trăng. Bên cạnh cơ sở hạ tầng thấp kém, Sóc Trăng còn phải thường xuyên vật lộn với triều cường, lốc xoáy, bão dữ. Số hộ thiếu đói và hộ nghèo chiếm hơn 60% dân số.
Để Sóc Trăng vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển, lãnh đạo tỉnh nhiều lần họp bàn và cuối cùng chọn giải pháp mang tính đột phá là cải tạo hệ thống thủy lợi, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống đê sông, đê biển để ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chủ trương đúng đắn này được nhân dân trong tỉnh ủng hộ, nhiệt tình đóng góp sức người, sức của xây dựng đê; nhiều hộ không ngần ngại hiến ruộng, vườn khi có công trình đi qua. Trong thời gian ngắn, tuyến đê dài gần 500 km đã được hình thành mang lại hiệu quả lớn cho Sóc Trăng, rõ nét nhất là giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ngăn mặn, giữ ngọt, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo nên hệ thống giao thông nông thôn liên hoàn, thúc đẩy phát triển kinh tế… Nếu như năm 1992, diện tích sản xuất lúa chưa tới 243 nghìn ha, đến năm 2000 tăng lên hơn 370 nghìn ha. Theo đó, sản lượng lúa cũng tăng từ 826 nghìn tấn năm 1992 lên hơn 1,6 triệu tấn và năm 2011 đạt hơn 2 triệu tấn. Khi công tác thủy lợi của tỉnh đi vào chiều sâu theo hướng đa mục tiêu, phục vụ sản xuất, thì nghề nuôi tôm sú cũng bắt đầu phát triển. Hệ thống thủy lợi chống biến đổi khí hậu ven Biển Đông ở Vĩnh Châu phát huy hiệu quả, đã góp phần chuyển đổi hàng chục nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú; dự án Thạnh Mỹ không chỉ phá thế độc canh cây lúa các xã ở huyện Mỹ Xuyên mà còn hình thành nên một vùng tôm – lúa đặc trưng của tỉnh; các dự án thủy lợi đã thật sự “đánh thức” tiềm năng của cả một vùng rộng lớn với hàng chục nghìn ha đất trồng lúa, mía, cây ăn trái, hoa màu, nuôi trồng thủy sản, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Mặc dù Sóc Trăng đã hình thành hơn 500 km đê, nhưng do thiếu nguồn vốn duy tu, sửa chữa nên nhiều tuyến đê đã xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là các tuyến đê xung yếu cù lao, đê sông, đê biển. Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu trong thời gian tới, Sóc Trăng cần nguồn lực rất lớn để khôi phục, nâng cấp các tuyến đê. Chỉ tính riêng việc củng cố đê biển, phải tốn hơn 660 tỷ đồng, nhưng đến nay, tỉnh được cấp chưa tới 100 tỷ đồng. Do đó, nhu cầu về vốn để nâng cấp tuyến đê xung yếu này là rất bức xúc. Hệ thống đê bao các cồn ở huyện Cù Lao Dung, Kế Sách rất thấp, nhỏ bé, hằng năm đều bị vỡ, tràn nhưng cũng chưa có vốn để đầu tư nâng cấp nhằm ngăn lũ, triều cường… Dự án phân ranh mặn, ngọt đã được đầu tư xây dựng để phục vụ các huyện vùng trũng trồng lúa, tiêu tốn khoảng 700 tỷ đồng, nhưng chưa phát huy hiệu quả cao. Hiện, dự án mới chỉ kiểm soát nước trên đồng ruộng của khoảng 20 nghìn ha ở huyện Ngã Năm, còn lại hơn 50 nghìn ha tập trung ở huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú vẫn bị nước mặn “uy hiếp”. Nguyên nhân chính là do sự phối hợp vận hành, điều tiết nước giữa vùng nuôi tôm và vùng trồng lúa của hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng chưa tốt.
Khí tượng thủy văn ở Sóc Trăng trong thời gian qua diễn biến theo chiều hướng phức tạp, những dự báo về biến đổi khí hậu ngày càng lộ rõ hơn điều này. Mực nước ngày càng dâng cao. Vụ đông – xuân hai năm qua, các huyện vùng trũng như Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Tú và một phần Kế Sách đều xuống giống muộn, với diện tích gần 70 nghìn ha. Việc chậm xuống giống ảnh hưởng lớn đến vụ sau, vì nông dân phải đối mặt với xâm nhập mặn, thiếu nước vào cuối vụ. Triều cường dâng cao đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống đê bao các huyện cù lao dọc theo sông Hậu. Ba năm liên tục, vùng sản xuất mía của huyện Cù Lao Dung giảm năng suất, mất mùa do vỡ đê bao, nước tràn gây ngập úng. Tình hình dịch bệnh, nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Hai năm liền, các vùng nuôi tôm trọng điểm như Vĩnh Châu, Trần Đề, Mỹ Xuyên bị thiệt hại rất lớn. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng Dương Quốc Việt cho biết, tỉnh đã điều chỉnh bổ sung quy hoạch hệ thống đê bao để đối phó, thích ứng với diễn biến thiên tai trước mắt cũng như lâu dài. Tập trung ưu tiên cho những vùng bị thiên tai đe dọa như vùng cù lao trên sông Hậu, vùng ven biển, vùng ngập úng. Đầu tư khép kín hệ thống thủy lợi nội đồng cho các vùng bị ngập úng gồm trạm bơm, bờ bao, kênh mương, cống bọng để kiểm soát nước trên mặt ruộng. Trong đó, tỉnh dành tỷ lệ lớn đầu tư cải tạo nguồn nước cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện Vĩnh Châu, Trần Đề, Mỹ Xuyên. Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao nguồn giống; khuyến cáo bà con nông dân lịch xuống giống, về quy trình sản xuất cho phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu nhằm tránh, hạn chế thiệt hại. Đẩy mạnh cải tạo nguồn nước; kiểm soát dịch bệnh, nguồn giống; chuyển giao quy trình sản xuất tôm; thực hiện bảo hiểm tôm, giúp cho người dân khắc phục, vượt qua khó khăn. Về lâu dài, Sóc Trăng nghiên cứu biện pháp cấp và thoát nước riêng biệt cho vùng nuôi tôm tập trung, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền cho bà con hiểu biết về biến đổi khí hậu để tăng khả năng tự phòng, chống, ứng phó. Hiện nay, Sóc Trăng đang tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi cho các xã xây dựng nông thôn mới. Mở rộng đầu tư thủy lợi cho mô hình cánh đồng mẫu; tập trung khép kín toàn bộ vùng ngập úng, phục vụ tưới tiêu…
Sóc Trăng đang phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, chống biến đổi khí hậu, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên Sóc Trăng là tỉnh nghèo, khả năng tự lực của địa phương còn nhiều hạn chế, nên rất cần sự hỗ trợ kịp thời của T.Ư.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()