Làm theo lời Bác dạy, đẩy mạnh xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc
LSO-Nói chuyện tại hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình ngày 10/10/1959, Bác nói “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình mới tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình…”
Bác Hồ đến thăm một gia đình nông dân vừa được chia ruộng đất – Ảnh: Tư liệu |
Trải qua hơn nửa thế kỷ đầy hy sinh, gian khổ và chiến thắng oanh liệt trên chặng đường giành độc lập và xây dựng, bảo vệ đất nước, Lời Bác dạy đã in sâu vào các thế hệ gia đình Việt Nam. Hàng triệu gia đình hai miền Nam – Bắc từ thành thị đến nông thôn đã tích cực xây dựng gia đình đầm ấm, lao động sản xuất, tiết kiệm, động viên hàng triệu con em ưu tú lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc lâu dài và gian khổ đưa đến thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, cộng đồng các dân tộc Việt Nam tiếp tục xây dựng gia đình bền vững ấm no, hạnh phúc, làm cho các thế hệ thành viên trong gia đình kế tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từng bước đưa Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào cuộc sống.
Làm theo lời Bác dạy, Đảng, Nhà nước ta, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp đặc biệt quan tâm công tác gia đình. Thời gian qua, nhiều phong trào được triển khai có hiệu quả như: phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; phát triển dịch vụ cộng đồng; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về gia đình; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình và xây dựng gia đình văn hóa, hướng dẫn gia đình làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo…Qua các phong trào này, đa số gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; nhiều gia đình vượt khó, tiết kiệm, sáng tạo, làm giàu chính đáng.
Tuy nhiên, thời gian qua do tác động mặt trái của xã hội, hiện tượng lệch chuẩn văn hóa, ảnh hưởng thói hư tật xấu đã đi sâu vào gia đình, kiến cho nhiều gia đình không hòa thuận, con cái làm trái đạo lý đối xử lạnh nhạt với ông bà, cha mẹ. Không ít ông, bà, cha mẹ thường phàn nàn về tác dụng giáo dục thế hệ trẻ và con cháu trong gia đình bị giảm sút, không ít trường hợp xảy ra tình trạng bất hiếu với cha mẹ sinh thành, chạy theo lối sống “mốt hiện đại”; bạo lực gia đình còn diễn ra dẫn đến mất tình nghĩa trong gia đình, lười lao động, thích ăn chơi hưởng thụ, đua đòi; vợ chồng có điều gì chưa rõ, không biết nhường nhịn để xảy ra bạo lực từ tinh thần đến bạo lực thân thể, vi phạm quy định Luật phòng chống bạo lực gia đình. Cũng nhìn thẳng sự thật rằng, không ít bậc cha mẹ thiếu gương mẫu, chưa thông cảm với điều kiện sinh hoạt tiến bộ của con cái. Hiện tượng nói trên làm cho gia đình thiếu sự ổn định dẫn đến không bền vững, bố mẹ quản lý lỏng lẻo các thành viên gia đình gây nên nhiều bức xúc, tiêu cực trong xã hội. Những hiện tượng tiêu cực của gia đình thời gian qua cũng là hồi chuông báo động để Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp cần làm tốt hơn nữa việc xây dựng gia đình và xã hội theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Nhân năm gia đình Việt Nam 2013, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn trong khi thi đua phấn đấu làm kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống, không thể buông lỏng xây dựng gia đình hòa thuận, không để các tiêu cực và tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình. Các ngành chức năng cùng các đoàn thể và gia đình phối hợp chặt chẽ tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về gia đình theo lời Bác dạy, từng bước loại dần các mặt yếu kém của gia đình Lạng Sơn hiện nay trở về chuẩn mực của những gia đình vững mạnh, có văn hóa, có nền nếp gia phong, ấm no, hạnh phúc.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, năm 2012 có 106.314 gia đình/ 180.000 gia đình toàn tỉnh được bầu chọn đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 58,7%. Số liệu này phần nào phản ánh đúng tình hình gia đình hiện nay. Tuy nhiên với 699 vụ bao lực gia đình trong toàn tỉnh năm 2012 (ở thành thị 98 vụ, nông thôn 601 vụ), phần lớn đã hòa giải được, nhưng sứt mẻ về tình cảm còn rất nặng nề.
Đến hôm nay và mai sau, lời dạy của Bác Hồ kính yêu vẫn mãi mãi có ý nghĩa thực tế trong việc xây dựng gia đình và xã hội, nhằm góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ của sự nghiệp củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đẩy mạnh xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục, cụ thể và sâu sát; đối với mỗi gia đình, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trên cơ sở luật pháp của Nhà nước với thuần phong mỹ tục và đạo lý tốt đẹp của gia đình, dòng họ…giúp đỡ, hỗ trợ nhau làm ăn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, chúng ta tin tưởng rằng các tiêu cực trong gia đình sẽ từng bước được đẩy lùi; hệ thống gia đình của ta sẽ tốt, xứng đáng là hạt nhân của xã hội.
Ý kiến ()