Làm thế nào để tăng cường sức đề kháng, “vượt lạnh” an toàn?
Miền Bắc đang bước vào đợt rét đậm, rét hại, đây cũng chính là lúc cần tăng cường cảnh giác để củng cố sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt là các bệnh liên quan tới tim mạch, huyết áp và đột quỵ.
Thời tiết lạnh đang kéo dài là thời điểm bệnh tật tấn công tới sức khỏe của mỗi người mạnh nhất, vì vậy các chuyên gia khuyến cáo mỗi người cần chú ý tới những biện pháp ngăn ngừa kịp thời để có được cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt trong những ngày mà chênh lệch nhiệt độ ở mức rất cao (10-15 độ C).
Bệnh nhân tim mạch gia tăng khi trời lạnh
Miền Bắc đang bước vào đợt rét đậm, rét hại, tại các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, nhiệt độ trong buổi sáng 30/1 phổ biến từ 11-14 độ C, ở vùng núi cao nhiệt độ dưới 9 độ C. Rét đậm, rét hại đã khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu.
Bà N.T.H. (65 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội), ông H. đột ngột lên cơn đau thắt ngực trái, ngất xỉu. Sau đó, bà có tỉnh lại nhận biết được xung quanh nhưng vẫn đau dữ dội từ ngực trái sang giữa xương ức. Các cơn đau kéo dài và tăng dần kèm theo khó thở, vã mồ hôi nên người nhà đưa đến Bệnh viện Tim Hà Nội cấp cứu.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được đưa vào phòng thông tim can thiệp đặt stent tái thông động mạch vành tắc nghẽn. Sau can thiệp, các bệnh nhân hết đau ngực, mạch, huyết áp ổn định. Đây là trường hợp nhồi máu cơ tim cấp tính được các bác sỹ bệnh viện cứu sống nhờ kịp thời can thiệp mạch vành.
Theo thống kê của Bệnh viện Tim Hà Nội, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, trong đó có khoảng 50 bệnh nhân nhập viện. Riêng trong những ngày lạnh, số bệnh nhân đến cấp cứu tăng hơn so với những ngày thường. Cụ thể, ngày 30/1 có 39 trường hợp được chuyển tới viện cấp cứu, đáng lưu ý hơn 50% bệnh nhân là những người trên 60 tuổi với các bệnh như: Nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành…
Tiến sỹ Vũ Quỳnh Nga – Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho hay vào mùa Đông, nhiệt độ xuống thấp, ở mức quá lạnh tác động tới cơ thể của mỗi người như gây co mạch ngoại biên, gây tăng huyết áp. Sự thay đổi này càng đột ngột, càng chênh lệch lớn thì nguy cơ đột quỵ càng cao.
Theo các chuyên gia, mùa Đông là thời điểm mỗi người dễ mắc bệnh nhất trong năm bởi những tác động khắc nghiệt như gió rét, trời lạnh, thiếu năng lượng Mặt trời. Đặc biệt sự sụt giảm đột ngột về nhiệt độ hay sự chênh lệch nhiệt độ lớn trong ngày là tác nhân đe dọa trực tiếp đến sức đề kháng, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh ở người.
Các biện pháp chăm sóc sức khỏe tim mạch
Bác sỹ Vũ Quỳnh Nga phân tích: “Thời tiết lạnh, với nhiệt độ thấp khiến cơ thể với hệ tuần hoàn phải hoạt động nhiều hơn để giữ cho cơ thể ấm hơn, vì vậy tim phải đập nhanh hơn, mạch máu sẽ co lại vì vậy nhịp tim nhanh hơn, huyết áp tăng lên. Có nhiều trường hợp máu trong mạch máu có thể bị đặc lại, vì vậy có thể tạo ra tăng nguy cơ các bệnh lý về tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Vì vậy, những bệnh nhân có nguy cơ về bệnh tim mạch cần chú ý chăm sóc sức khỏe.”
Theo bác sỹ Nga, mọi người nên giữ gìn sức khỏe như ở trong môi trường kín, nhiệt độ không thấp hơn 18 độ, tránh gió lùa. Trong thời tiết lạnh mọi người nên mặc nhiều lớp quần áo, vì khi mặc nhiều quần áo sẽ có lớp không khí ở giữa chắn nhiệt, do đó cơ thể giữ ấm được tốt hơn thay vì chỉ mặc một chiếc áo dày. Đặc biệt, khi trời lạnh mọi người nên vận động trong nhà, khi vận động sẽ tạo ra năng lượng và giữ ấm cho cơ thể tốt hơn.
Về dinh dưỡng, mỗi người nên ăn những đồ ăn nóng, uống nước ấm để giữ cho nhiệt độ cơ thể được tốt. Những người có bệnh lý về tim mạch nên uống thuốc đầy đủ, dinh dưỡng hợp lý. Những người có đau ngực khi ra ngoài nên đeo khăn cổ và quanh vùng ngực, đeo khẩu trang để giữ ấm vùng mũi và miệng, bởi khi đeo khẩu trang, không khí mình thở ra được ấm hơn.
Trẻ em cần mặc nhiều quần áo để giữ ấm được tốt hơn cũng như đi tất, đi dép, giữ ấm, uống đủ nước, dùng đồ ăn ấm, thức ăn nóng.
Bác sỹ Nga cũng chỉ rõ trong những ngày thời tiết lạnh như hiện nay, buổi sáng và buổi tối nhiệt độ thấp, người cao tuổi có xu hướng hay tập thể dục có thể tập trong nhà, hoặc đợi thời tiết ấm hơn, không nhất thiết phải tập thể dục vào thời gian tờ mờ sáng (4-5 giờ sáng) mà có thể tập vào thời điểm nào trong ngày cũng được, như 9-10 giờ sáng hoặc tầm trưa hay chiều, bất kỳ thời điểm nào trong ngày khi nhiệt độ tăng lên; có thể tập các bài vận động trong nhà như vận động, đi bộ trong nhà, các bài tập tại chỗ.
Khi mùa Đông, trong những ngày trời rét, tỷ lệ bệnh nhân đến cấp cứu do đột quỵ, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim gia tăng hơn. Vì vậy, những bệnh nhân có nhiều nguy cơ, người cao tuổi nên đi khám định kỳ để có đơn thuốc dùng đều đặn, sử dụng các biện pháp giữ ấm cho cơ thể, tránh những biến cố có thể xảy ra./.
https://www.vietnamplus.vn/lam-the-nao-de-tang-cuong-suc-de-khang-vuot-lanh-an-toan/843516.vnp
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()