Làm thế nào để không 'giật tít, câu view' mà vẫn có đông bạn đọc?
"Trong hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, 80% người đọc từ lứa tuổi 17 đến 45 và họ tìm chính sách liên quan đến cơm áo gạo tiền, việc làm, học hành - chính sách đối với cuộc sống của họ. Tôi cho rằng làm báo chính thống, làm báo tử tế thì chúng ta vẫn có cơ hội để có lượng người đọc cao", ông Nguyễn Hồng Sâm chia sẻ.
Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí", Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm đã có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng mạng xã hội để lan tỏa các thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công tác truyền thông chính sách.
Ông Nguyễn Hồng Sâm cho biết, ngoài fanpage Thông tin Chính phủ trên mạng xã hội, Cổng TTĐT Chính phủ còn tham gia Zalo, Youtube, Twitter và cả mạng Lotus của Việt Nam. Những thông tin mà Cổng TTĐT Chính phủ đưa lên mạng xã hội luôn đảm bảo nhanh nhất, chính xác nhất, có trọng tâm, trọng điểm đến với người dân, bạn đọc.
"Vào thời điểm này, những thông điệp quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà chúng tôi đưa lên mạng xã hội ngay lập tức có thể tiếp cận được khoảng 15-17 triệu người", ông Nguyễn Hồng Sâm thông tin.
Fanpage Thông tin Chính phủ hiện có khoảng 4,4 triệu người theo dõi và được đánh giá là fanpage có độ lan tỏa và độ tương tác tốt nhất trong các fanpage của cơ quan chính quyền ở Việt Nam. Công ty Meta - chủ sở hữu của Facebook đánh giá fanpage Thông tin Chính phủ có uy tín và có tính dẫn dắt rất lớn ở Việt Nam.
Minh chứng cho nhận định trên, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ cho biết, trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19, fanpage hoạt động cực kỳ hiệu quả, có thể ngay lập tức truyền tải được những thông điệp, chỉ đạo về phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến 80% người dùng Fcebook ở Việt Nam (50 triệu người).
"Hiện nay, chúng tôi sử dụng tất cả các nền tảng mạng xã hội để truyền tải những thông điệp quan trọng trong chỉ đạo, điều hành trong phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", ông Nguyễn Hồng Sâm khẳng định.
Sử dụng mạng xã hội để truyền thông chính sách
Lấy ví dụ về sử dụng mạng xã hội để truyền thông chính sách, ông Nguyễn Hồng Sâm dẫn chứng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khi được đưa lên nền tảng mạng xã hội thì Cổng TTĐT Chính phủ nhận được hơn 5.000 góp ý. Thậm chí, có những luật sư góp ý rất tâm huyết với hơn 40 trang xung quanh Luật.
Hay vào tháng 10/2022, ở Đà Nẵng xảy ra trận ngập lụt trên lịch sử, có nhiều khu vực ngập sâu trên 2m, chia cắt nhiều khu dân cư, tuyến đường khiến nhiều gia đình bị cô lập, cầu cứu.
"Không còn cách nào khác, người dân đã lên fanpage của chúng tôi kêu cứu. Lúc đó đã 10, 11 giờ đêm, chúng tôi tiếp nhận tất cả thông tin ở trên fanpage và ngay lập tức tôi liên hệ với các đơn vị quân đội trên địa bàn để báo các địa chỉ đang cần giúp đỡ để họ ứng cứu", ông Nguyễn Hồng Sâm chia sẻ.
Trang Xây dựng chính sách thu hút đông đảo bạn đọc
Ông Nguyễn Hồng Sâm cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung cho tuyên truyền về chính sách, ngày 20/6/2022, Cổng TTĐT Chính phủ cho ra đời chuyên trang Xây dựng chính sách.
Sau một năm rưỡi vận hành, hiện chuyên trang có hơn 11 triệu người truy cập một tháng. Ngoài ra, tăng trưởng người đọc cũng tốt, trong một thời gian dài người giữ trên mạng là hơn 10.000 người online để đọc.
Trong quá trình vận hành trang Xây dựng chính sách, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ cho rằng không phải cứ giật tít, câu view thì sẽ có nhiều người đọc.
"Trong hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, 80% người đọc từ lứa tuổi 17 đến 45 và họ tìm chính sách liên quan đến 'cơm, áo, gạo, tiền', việc làm, học hành - chính sách đối với cuộc sống của họ. Tôi cho rằng làm báo chính thống, làm báo tử tế thì chúng ta vẫn có cơ hội để có lượng người đọc cao.
Hiện nay chuyên trang Xây dựng chính sách của chúng tôi phấn đấu năm 2024 sẽ có ít nhất 20 triệu view một tháng", ông Nguyễn Hồng Sâm nhận định.
Tham luận tại Diễn đàn, ông Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập Báo Sài Gòn giải phóng cho rằng, để nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí, việc đầu tiền cần tính tới là nhận thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Họ cần nhận thức được tinh thần, trách nhiệm, vai trò chính trị của cơ quan mình; ngoài ra, cần có sự hiểu biết nội dung cần tuyên truyền, ví dụ như các nghị quyết của Đảng.
Ngoài ra, các phóng viên, biên tập viên phải bám sát chỉ đạo hằng ngày, diễn biến thời sự hằng ngày của cả nước và của địa phương.
Ý kiến ()