Làm thế nào để “giảm tải”
Giờ học của học sinh lớp 3 tuổi Trường Mầm non Liên Cơ TPLS |
Lên gặp Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, không giấu được sự lo âu hiện lên trên khuôn mặt trẻ trung xinh đẹp, cô Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non 10/10, thị trấn Thất Khê (Tràng Định) nói rằng: theo kế hoạch được duyệt, năm học 2014-2015, trường của cô chỉ được phép tuyển 100 chỉ tiêu, song đã có 140 hồ sơ. Là trường mầm non chuẩn quốc gia (QG), sự khống chế về số lượng học sinh/ lớp là một trong những điều kiện đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ trên địa bàn thị trấn. Tuy nhiên, trường lại nằm ở vị trí giáp ranh giữa thị trấn và một số thôn của xã Đại Đồng. Vì vậy, trường luôn nằm trong tình trạng quá tải so với quy mô được xây dựng. Năm nay, cũng như nhiều địa phương trong toàn tỉnh và cả nước, số học sinh độ 2 tuổi tăng đột biến (sinh năm 2012- năm Nhâm Thìn), nên sự quá tải ngày càng tăng. Vì thế trường này mới nằm trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhận thì vượt quá khả năng về cơ sở vật chất (CSVC) và giáo viên, không nhận thì cũng không đành lòng. Trước sự lúng túng, khó xử của ngành, với sự quan tâm sâu sát đến công tác GD&ĐT, đặc biệt là cấp học mầm non, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo: biết là khó khăn, song phải nhận hết các hồ sơ, thiếu giáo viên thì điều chuyển tăng cường, thiếu phòng học có thể trưng dụng các phòng chức năng. Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện mà cô hiệu trưởng vẫn áy náy không yên vì nếu như vậy, khi kiểm tra, trường sẽ bị “mất điểm” vì CSVC và việc duy trì chuẩn bị ảnh hưởng.
Không chỉ ở thị trấn Thất Khê (Tràng Định), mà sự quá tải đã xuất hiện ở hầu hết các trường MN trên địa bàn các thị trấn của các huyện trong tỉnh và đã lên mức tột đỉnh ở khu vực thành phố trong những ngày đầu thực học. Mặc dù đã được xây dựng thêm 8 phòng học và đang “san lớp” để chuẩn bị đón nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia vào 4/9 tới, song, Trường MN Liên Cơ (phường Vĩnh Trại) vẫn có số học sinh bình quân 43 cháu/ lớp. Riêng 4 lớp mẫu giáo 5 tuổi có bình quân 43-45 học sinh/ lớp (cao gấp 1,5 lần so với quy định của Điều lệ trường MN). Trao đổi với chung tôi, cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng: vẫn biết như thế là vượt mức quy định theo Điều lệ trường MN, song căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, ngành đã giao kế hoạch như vậy thì phải thực hiện. Trường chuẩn QG đã như vậy, những trường chưa đạt chuẩn QG chắc chắn sự quá tải sẽ cao hơn rất nhiều. Thực vậy, cô Nguyễn Thị Xuyến, Hiệu trưởng Trường MN 17/10 cho biết: là một trường còn rất nhiều khó khăn về CSVC, nhất là bếp ăn, các phòng chức năng, song năm nào trường cũng bị quá tải, năm nay, sĩ số học sinh cao nhất đã lên đến trên 50 cháu/ lớp.
Số liệu đầu năm học 2014-2015 của ngành GD&ĐT cho thấy, toàn cấp học MN có 204 trường, tăng 17 trường, 281 nhóm lớp so với năm học trước; riêng số học sinh năm nay tăng 6.528 cháu. Học sinh tăng nhanh, trường lớp khối công lập có hạn, nên ngành cũng chỉ “ưu tiên” tuyển trong độ tuổi mẫu giáo 4-5 tuổi để đảm bảo tiến trình phổ cập GDMN. Những công dân “năm Rồng” đã bước vào tuổi đi học, sức ép trong tuyển sinh càng tăng khi một số trường thực hiện “giãn” số trẻ/nhóm lớp để thực hiện chuẩn QG; song sự “giãn” đó cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối khi sĩ số của mỗi nhóm lớp ở những trường chuẩn này cũng đã “vượt trần” theo quy định của Điều lệ trường MN. Dư luận có quyền nghi ngại khi Điều lệ trường MN quy định tối đa mỗi nhóm lớp nhà trẻ 25-36 tháng tuổi và lớp 3-4 tuổi chỉ được phép có 25 cháu, lớp 4-5 tuổi là 30 cháu, trong khi sĩ số mỗi lớp của các trường khu vực thị trấn, thành phố bao giờ cũng trên 40, thậm chí trên 50 cháu, thì chất lượng nuôi dạy sẽ ra sao. Chắc chắn phụ huynh sẽ rất thất vọng khi nhìn thấy trên 50 trẻ, trong đó có con mình vui chơi, sinh hoạt và học tập trong căn phòng chỉ có trên 30m2, trong khi yêu cầu tối thiểu là phải có 1,5-1,8m2/trẻ. Nhiều phụ huynh đã hiểu ra rằng, con mình mắc chứng “bí” đại, tiểu tiện chỉ vì khu vệ sinh quá chật chội, không đảm bảo diện tích tối thiểu 0,4-0,6m2/cháu như quy định.
Sự quá tải của MN công lập đã đến mức “nhức nhối” trong khi các trường ngoài công lập vẫn không đủ học sinh để mở lớp. Lý giải về vấn đề ngày, ngành GD&ĐT cho rằng có 2 nguyên nhân: thứ nhất: do mức học phí của trường ngoài công lập quá cao (gấp từ 8-10 lần trường công lập); thứ hai là tâm lý người dân chưa thực sự yên tâm về công tác quản lý, chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng của loại hình này.
Cần phải có một giải pháp toàn diện và căn cơ cho cấp học MN, đó là đòi hỏi khách quan trong quá trình phát triển. Theo đó, mỗi phường, thị trấn cần phải có 2 trường MN với quy mô từ 500-800 trẻ. Trước mắt, ngành GD&ĐT cần rà soát chế độ thu chi của trường MN ngoài công lập, nhằm giảm mức thu học phí của loại hình này. Sự cần thiết phải có sự hỗ trợ cho loại hình ngoài công lập về nhân lực, trang thiết bị… để giảm thiểu sự đóng góp của dân; nâng cao năng lực quản lý, năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên để các trường ngoài công lập vươn lên. Có như vậy, loại hình ngoài công lập mới chung vai cùng toàn ngành giảm thiểu sự quá tải của trường công lập.
Ý kiến ()