Lâm tặc lộng hành phá rừng ở huyện Hoài Ân
Lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng kiểm tra một khu rừng mới bị phá tại xã Bok Tới, huyện Hoài Ân. Theo UBND huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2011 đến nay đã có 123 ha rừng bị phá để trồng sắn và cây keo. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Hiếu Hòa cho biết: Hoài Ân có 55.068 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng là 43.387 ha, độ che phủ rừng đạt 55,9%.Diện tích đất có rừng ở Hoài Ân khá lớn, lại nằm giáp ranh với nhiều huyện khác trong tỉnh; đường giao thông cách trở, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, phương tiện thiếu thốn, cho nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó cấp ủy, chính quyền địa phương một số xã lại buông lỏng công tác quản lý rừng nên nạn phá rừng diễn ra ngày càng trầm trọng.Điển hình như nhiều ha rừng bị phá ngay cạnh trụ sở UBND xã Bok Tới, nhưng chính quyền xã này vẫn làm...
|
Diện tích đất có rừng ở Hoài Ân khá lớn, lại nằm giáp ranh với nhiều huyện khác trong tỉnh; đường giao thông cách trở, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, phương tiện thiếu thốn, cho nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó cấp ủy, chính quyền địa phương một số xã lại buông lỏng công tác quản lý rừng nên nạn phá rừng diễn ra ngày càng trầm trọng.
Điển hình như nhiều ha rừng bị phá ngay cạnh trụ sở UBND xã Bok Tới, nhưng chính quyền xã này vẫn làm ngơ không có biện pháp ngăn chặn. Mặt khác, chủ rừng thiếu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ; việc kiểm tra xử lý vi phạm của các cấp có thẩm quyền cũng chưa thật nghiêm khắc, thiếu tính răn đe, ngăn chặn. Phó Chủ tịch UBND xã Bok Tới Đinh Văn Líp cho biết: Tình trạng phá rừng trên địa bàn xã diễn ra từ cuối năm 2010 và rộ lên trong hai tháng 4 và 5-2011. Hiện nay, toàn xã có 378 hộ thì có hơn 100 hộ phá rừng với diện tích hàng chục ha, cá biệt có hộ phá tới hơn 10 ha.
Tham gia phá rừng ngoài những hộ đồng bào người dân tộc làm theo phong tục, thói quen, còn có rất nhiều cán bộ, đảng viên trong xã. Đơn cử như chỉ riêng ở xã Bok Tới đã có 25 cán bộ xã, giáo viên và nhiều đảng viên cùng tham gia phá rừng. Trong đó, có trường hợp ông Bá Húy, Trưởng Ban Tư pháp xã và vợ là Mí Húy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cũng tham gia phá hai ha rừng.
Cũng do buông lỏng quản lý nên lâm tặc ngày càng lộng hành và tình trạng chống đối lực lượng kiểm lâm ngày càng diễn biến phức tạp. Ngày 13-4-2009, tổ công tác gồm bảy cán bộ của Hạt Kiểm lâm Hoài Ân đã bị nhóm lâm tặc 25 người tiến công tại khu vực giáp ranh giữa thôn Du Tự, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân và xóm Phú Nga, thôn Lại Khánh, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn làm hai cán bộ kiểm lâm bị trọng thương, nhưng việc xử lý sau đó vẫn chưa mang tính răn đe.
Từ cuối năm 2010 đến nay, sau khi nạn phá rừng rộ lên, các ngành chức năng tỉnh Bình Định và huyện Hoài Ân đã tổ chức nhiều đoàn công tác tiến hành điều tra, xác lập được 189 hồ sơ vi phạm. Riêng Hạt Kiểm lâm huyện từ đầu năm đến nay đã lập biên bản xử lý 68 vụ vi phạm và tạm thu giữ 25,64 m3 gỗ, cùng với 52 mô-tô, 6 ô-tô, một máy kéo và 11 máy cưa, xử phạt hành chính thu vào ngân sách Nhà nước hơn 365 triệu đồng… Tuy nhiên, đấu tranh chống lâm tặc ở Hoài Ân không thể chỉ là việc làm của lực lượng kiểm lâm mà cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều cấp ngành ở địa phương. Trong đó, chính sách giải quyết việc làm ổn định, lâu dài cho người dân, nhất là đối với người dân sống gần rừng mới là giải pháp hữu hiệu có tính bền vững. Tỉnh Bình Định đã chỉ đạo địa phương và các đơn vị liên quan trên địa bàn sớm triển khai các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng phá rừng như: Kiên quyết xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên tham gia phá rừng; nhổ bỏ, tịch thu số cây trồng mới trên diện tích đất trái phép; xử lý chủ rừng đã nhận khoán nhưng để lâm tặc và người dân tham gia phá rừng theo pháp luật hiện hành; tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục và thuyết phục nhân dân chấp hành Luật Bảo vệ rừng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()