Làm sâu sắc hơn vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Với tinh thần trách nhiệm cũng như từ thực tiễn của lĩnh vực, Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị làm sâu sắc hơn vai trò nhiệm vụ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhấn mạnh việc góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII là nhiệm vụ, nội dung quan trọng trong Đại hội đảng các cấp của Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Gia Chương cho biết các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo các văn kiện và khẳng định dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng mang tính logic, xúc tích, rõ ràng, được Ban chấp hành Trung ương chuẩn bị khoa học, công phu, nghiêm túc, sát với thực tế của đất nước và sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện tính kế thừa và mở ra những vấn đề mới mang tính dự báo phát triển trong thời gian tới.
Đối với Dự thảo Báo cáo chính trị, các ý kiến đảng viên đánh giá khách quan, sâu sắc sát với thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, thể hiện được quá trình phát triển đất nước, phản ánh đúng tình hình khách quan, thể hiện tầm vóc, vị thế Việt Nam.
Làm sâu sắc hơn vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị bổ sung vào nội dung văn kiện trong lĩnh vực khoa học và công nghệ việc “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đề nghị bổ sung quan điểm “mở rộng và phát triển mạng lưới doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và một số địa phương.
Cũng liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị sửa lại là “Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển, doanh nghiệp công nghệ 4.0, công nghệ sạch, quản trị hiện đại; liên kết, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.”
Tại nội dung “Điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nền kinh tế”, đề nghị thay cụm từ “công nghệ hiện đại” thành cụm từ “công nghệ cao, công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0.”
Về nội dung “Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái,” đề nghị cân nhắc nội dung “nông nghiệp sinh thái” vì chưa rõ nội hàm để triển khai trong thực tiễn.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị bổ sung “Tăng cường ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp; để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững và tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông-công nghiệp-dịch vụ công nghệ cao.”
Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, một số ý kiến đề nghị sau cụm từ “Đa dạng hóa các loại hình đào tạo” bổ sung thêm cụm từ “và có chiến lược sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sau đào tạo.”
Liên quan đến việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “và đổi mới sáng tạo” vào sau nội dung “Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ” thành “Có chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.”
Với tinh thần trách nhiệm cũng như từ thực tiễn của lĩnh vực khoa học và công nghệ, Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị làm sâu sắc hơn vai trò nhiệm vụ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng cụm từ “khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” thay cho “khoa học và công nghệ.” Theo đó, sửa cụm từ “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, tổ chức và cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ” thành cụm từ “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, tổ chức và cơ chế quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.”
Việc góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII nhằm mục tiêu cụ thể theo lựa chọn của đa số ý kiến đồng ý với việc đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Các tiêu chí phát triển được lựa chọn phù hợp với điều kiện nước ta cũng như xu thế, chuẩn mực phát triển chung của thế giới.
Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để “bứt phá”
Góp ý báo cáo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ nhất trí với những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân hạn chế yếu kém, bối cảnh quốc tế, trong nước trước và sau Đại hội XII, những quan điểm phát triển, mục tiêu chiến lược, các đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.
Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Gia Chương cho biết để định hướng nền khoa học và công nghệ, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung việc phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo “bứt phá” nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo đó, triển khai có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh và bền vững như phát triển mạnh nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để phục vụ trực tiếp và thiết thực cho nhu cầu của doanh nghiệp và các ngành kinh tế chủ lực, phục vụ tái cơ cấu kinh tế trên cơ sở phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng cao nghệ cao, tỷ trọng giá trị nội địa lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, phát huy và khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới và các ngành dịch vụ có thế mạnh của Việt Nam.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ…
Đặc biệt, thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao, thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp lành mạnh. Đồng thời, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung-cầu sản phẩm khoa học và công nghệ mới.
Liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tổng hợp các ý kiến, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị bổ sung thêm nội dung “đẩy mạnh cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với hàng hóa nhập khẩu.”
Về cải cách hành chính, đề nghị bổ sung nội dung “đã xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước có hiệu lực, hiệu quả.”
Bên cạnh đó, bổ sung đẩy mạnh việc áp dụng mã số, mã vạch và hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam…/.
Ý kiến ()