Trong lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tại Phủ Chủ tịch, chúng tôi có dịp gặp các đồng nghiệp là phóng viên thường trú các báo, đài của ta ở Lào. Có người mới sang vài năm, cũng có người ở bên này hơn chục năm rồi, thông thạo tiếng Lào và phong tục, tập quán nước sở tại. Khi thấy tôi khen ở Viêng Chăn có nhiều ô-tô con, nhiều xe đời mới, một đồng nghiệp cho biết: “Thành phố này có khoảng một triệu người, nhưng có tới ba, bốn trăm nghìn xe ô-tô con. Nhiều nhà có vài ba cái. Có thể ô-tô còn nhiều hơn xe máy”.
– Thế ở bên này anh thích nhất là gì? Tôi hỏi.
– Đó là sự thanh bình! Không do dự, anh bạn đồng nghiệp trả lời luôn, rồi mới chậm rãi phân tích: Thứ nhất, ở đây mật độ xe cộ cũng khá cao, nhưng trật tự và ý thức của người dân rất tốt, không có tiếng còi ồn ã, không giành đường vượt ẩu, họ biết nhường nhịn nhau. Thứ hai, an ninh – trật tự bên này rất tốt. Không có cảnh cãi vã, đánh chửi nhau, không có trộm cắp, cướp giật. Xe cộ cứ để ngoài đường, qua đêm cũng chẳng sợ mất mát gì. Thứ ba, đường phố phong quang sạch sẽ. Hiếm thấy người nào vứt rác bừa bãi ra hè đường hay khạc nhổ nơi công cộng… Tất cả những điều này làm nên Viêng Chăn thanh bình, ai đến đây cũng cảm thấy dễ chịu. Nhiều người đứng quanh đồng tình với những nhận xét của anh bạn đồng nghiệp và cho rằng đấy là nét văn hóa đáng quý của thành phố này. Ở bên Lào gần đây hay có câu: “Muốn nhanh thì cứ phải… từ từ”. Mới nghe thì thấy vô lý, nhưng thật ra đó là một câu rất thâm thúy…
Ngay sau lễ đón trọng thể, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn đã hội đàm với Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết, cùng Đoàn đại biểu cấp cao của hai nước, trong bầu không khí thân mật, tin cậy và thắm tình hữu nghị anh em. Hai bên vui mừng nhận thấy, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt – Lào ngày càng được củng cố và tăng cường, đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Sự tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước ngày càng được thắt chặt, thể hiện qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, các cuộc gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể nhân dân từ cấp trung ương đến địa phương hai nước ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất. Hai bên khẳng định, luôn coi trọng và dành mọi ưu tiên trong việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt – Lào, coi đây là tài sản vô giá cần gìn giữ và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau. Về quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, hai bên hài lòng nhận thấy thời gian gần đây đã có bước khởi sắc, đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả tích cực. Việt Nam luôn là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư tại Lào với số lượng dự án hiện nay là 219 dự án, giá trị đầu tư hơn 2,4 tỷ USD…
Trong thời gian ở Viêng Chăn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới thăm Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt (LVB) và Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào – Việt (LVI), là những điển hình trong hợp tác kinh tế của mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào. Tháng 6-1999, được sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương hai nước, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) đã góp vốn thành lập LVB, với nhiệm vụ tạo kênh thanh toán chuyển đổi tiền tệ hai nước, góp phần quan trọng và thúc đẩy thương mại, đầu tư, dịch vụ hai nước; trực tiếp góp phần cung ứng tín dụng, dịch vụ cho doanh nghiệp Việt Nam và góp phần phát triển kinh tế Lào. Vượt qua nhiều khó khăn, sau 11 năm hoạt động, LVB hiện nay ngoài trụ sở chính ở Viêng Chăn còn có các chi nhánh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Chăm-pa-xắc, Xa-va-na-khẹt, với tổng tài sản đạt hơn 300 triệu USD. Hoạt động tín dụng, bảo lãnh, huy động vốn phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 30%/năm; doanh số chuyển đổi tiền tệ giữa KIP và VND hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; triển khai tốt các dịch vụ ngân hàng, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp và cư dân, thực hiện tốt vai trò đại lý giải ngân các dự án theo chương trình hợp tác giữa hai chính phủ và các địa phương hai nước. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ người Lào luôn được quan tâm. Hiện nay, các chi nhánh ở Lào hầu hết do cán bộ người Lào đảm nhiệm. Hàng trăm cán bộ ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán của nước bạn đã được BIDV hỗ trợ đào tạo… Tháng 6-2008, BIDV cùng với BCEL tiếp tục hợp tác thành lập Liên doanh Bảo hiểm Lào – Việt (LVI). Sau hai năm hoạt động, LVI có hơn 100 đại lý ở khắp nước Lào, cung cấp hơn 30 sản phẩm bảo hiểm các loại, chiếm 20% thị phần bảo hiểm tại Lào. Phát biểu ý kiến tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết biểu dương BIDV, qua LVB và LVI, bên cạnh các hoạt động kinh doanh tại Lào, cũng luôn chủ động, tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội trên nước bạn bằng các hình thức tài trợ phù hợp, số tiền và hiện vật hằng năm lên đến hàng chục tỷ đồng. Các hoạt động này góp phần tạo nên hình ảnh, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh trên đất Lào, được lãnh đạo và nhân dân các bộ tộc Lào đánh giá cao.
Thực tế các hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào thời gian qua cho thấy, số lượng dự án và vốn đầu tư tăng lên nhanh chóng trong vài năm gần đây, năm 2008 và 2009 vươn lên hàng đầu trong các nước đầu tư vào Lào. Có một số dự án triển khai đầu tư lớn và bảo đảm tiến độ tốt như: Thủy điện Xê-ca-mản 3, thủy điện Nậm Sam, Nậm Ngừm 4; các dự án trồng cao-su ở Nam Lào lên đến hàng vạn ha, cây cao-su phát triển tốt… Đầu tư của Việt Nam đã đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của Lào nói chung và địa bàn của dự án nói riêng. Đầu tư của Việt Nam được triển khai, mở rộng ở nhiều tỉnh của Lào và cũng được đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư, như công nghiệp; nông-lâm nghiệp, dịch vụ du lịch, khách sạn; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, v.v.
Tại Viêng Chăn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Lào Xổm-xa-vạt Lềnh-xa-vắt tham dự Tọa đàm “Kinh nghiệm, Tiềm năng và Cơ hội cho các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào”, với sự có mặt của hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và Lào. Đến nay, có thể khẳng định hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào có chuyển biến mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức các hoạt động đầu tư với tinh thần nghiêm túc, ngày càng đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả tích cực. Phát biểu ý kiến tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, trong thời gian tới, để thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế – đầu tư giữa hai nước, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ nghiên cứu, hoạch định chiến lược đầu tư dài hạn và ổn định của Việt Nam vào Lào theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi; khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam vào Lào. Chủ tịch yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức nỗ lực, tìm kiếm mọi cơ hội, chọn đúng thế mạnh để đầu tư lâu dài vào Lào; các dự án phải bảo đảm hiệu quả kinh tế, chính trị và xã hội; phải thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật Lào, cũng như phong tục, tập quán của nhân dân Lào khi tiến hành đầu tư, kinh doanh tại Lào; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn đầu tư, kinh doanh…
Nếu làm được như vậy là góp phần đắc lực vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.
Ý kiến ()