Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Hy Lạp
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15 đến 19-5.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đến Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Nằm ở phía Đông Nam châu Âu, Hy Lạp là quốc gia biển. Hiện nay, vận tải biển là ngành công nghiệp quan trọng nhất của quốc gia vùng Balkan này, chiếm 6,5% GDP và sử dụng khoảng 260.000 người (7% lực lượng lao động). Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thứ hai của Hy Lạp. Theo thống kê, dân số Hy Lạp chỉ hơn 10 triệu người nhưng có thời điểm khách du lịch nước ngoài tới đây lên tới gấp 3 lần (năm 2018).
Mặc dù nằm ở hai châu lục khác nhau nhưng Việt Nam và Hy Lạp có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, nhân dân Hy Lạp và Đảng Cộng sản Hy Lạp luôn dành những tình cảm tốt đẹp cho nhân dân Việt Nam, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp kể từ khi Việt Nam và Hy Lạp thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 15-4-1975) là tiền đề vững chắc để hai nước củng cố và phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt trong suốt 47 năm qua. Việt Nam và Hy Lạp luôn tích cực trao đổi đoàn các cấp và lãnh đạo cấp cao hai nước có nhiều cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị, hội thảo quốc tế. Hy Lạp cũng là một trong những nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sớm nhất và ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Hai nước đã ký Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao (năm 2018) và đang đàm phán ký các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định hợp tác hàng hải.
Ảnh minh họa / Vietnam |
Trong những năm gần đây, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục duy trì các cuộc trao đổi, tiếp xúc. Gần đây nhất, vào tháng 11-2021, trong chuyến thăm chính thức Hy Lạp của Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, hai bên đã thống nhất thúc đẩy trao đổi đoàn và các hoạt động hợp tác song phương. Trong dịp này, Hy Lạp đã trao tặng 250.000 liều vaccine ngừa Covid-19 cho Việt Nam.
Tuy cả Việt Nam và Hy Lạp còn có nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch thương mại song phương đã có những bước tiến đáng khích lệ. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 447 triệu USD, tăng 33% so với năm 2020. Hy Lạp nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu các mặt hàng như: Giày dép và dệt may, thủy sản, đồ gỗ, điện thoại, cà phê, các sản phẩm sắt thép và xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như giấy và bìa, nguyên liệu sản xuất thuốc lá… Tuy nhiên, hợp tác thương mại song phương vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng và mong muốn của cả hai nước. Do đó, Việt Nam và Hy Lạp cần đẩy mạnh trao đổi, buôn bán các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước cũng như hợp tác trong những lĩnh vực hai bên có nhu cầu và tiềm năng phát triển như: Vận tải biển và logistics, đóng tàu, khai thác cảng biển, du lịch, chế biến nông sản…
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Hy Lạp đã có các hoạt động hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng lũ lụt, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Hy Lạp đã cấp một số học bổng cho sinh viên Việt Nam theo học các khóa học tiếng Hy Lạp tại Athens. Tại Hy Lạp, cộng đồng người Việt Nam không lớn, sống tập trung chủ yếu tại Athens nhưng là cầu nối quan trọng vun đắp mối quan hệ giữa hai nước.
Với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ qua, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Katerina Sakellaropoulou sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt, như: Chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch… Nhân dịp này, hai bên cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou sẽ thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Ý kiến ()