Làm rõ tiêu chuẩn chức danh hòa giải viên và đối tượng đóng phí hòa giải
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Một trong những nội dung được quan tâm là tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên và đối tượng đóng phí hòa giải.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận về Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. |
Băn khoăn tiêu chuẩn chức danh hòa giải viên
Báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho biết, nhiều ý kiến tập trung thảo luận về tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên. Cụ thể, nhiều ý kiến tán thành với quy định tại dự thảo Luật về tiêu chuẩn của hòa giải viên, theo đó, ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (thẩm phán, kiểm sát viên…), thì luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét, bổ nhiệm làm hòa giải viên. Một số ý kiến cho rằng, quy định thời gian 10 năm như trên là quá dài, chỉ cần quy định 5 năm là đủ.
Giải trình vấn đề này, UBTVQH cho rằng, theo dự thảo Luật thì đối tượng hòa giải, đối thoại thường là những vụ việc có tính chất chuyên ngành sâu, phức tạp, đòi hỏi hòa giải viên phải am hiểu pháp luật chuyên ngành, pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật. Thực tiễn thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy, hầu hết đội ngũ hòa giải viên là các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thanh tra viên đã nghỉ hưu, các luật sư, chuyên gia có nhiều năm làm công tác pháp luật nên đã thực hiện tốt nhiệm vụ của hòa giải viên và giải quyết hiệu quả các tranh chấp. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt cao vừa qua (78,08%) và đến nay chưa có vụ việc nào các đương sự đề nghị xem xét lại.
Tuy nhiên, qua thảo luận, có đại biểu đề nghị quy định rõ “các chức danh tư pháp khác” quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật là gì và bổ sung thêm đối tượng thanh tra viên vào tiêu chuẩn hòa giải viên.
Theo đó, những người có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện, bao gồm: Thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên đã nghỉ hưu.
Về nhiệm kỳ của hòa giải viên, nhiều đại biểu cho rằng, cần nâng lên thành 5 năm chứ 3 năm là quá ngắn. Đại biểu Lưu Thành Công, (tỉnh Vĩnh Long) phân tích thời gian 3 năm là quá ngắn, không đủ để họ tổng kết, rút kinh nghiệm. Bởi các tiêu chuẩn đưa ra trong việc lựa chọn hòa giải viên đã chặt chẽ, chất lượng cao thì thời gian bổ nhiệm 5 năm là hợp lý.
UBTVQH lý giải, việc quy định nhiệm kỳ 3 năm như dự thảo Luật nhằm khuyến khích các hòa giải viên nỗ lực phấu đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ để tiếp tục được tái bổ nhiệm; đồng thời tạo cơ chế sàng lọc kịp thời những hòa giải viên không đáp ứng yêu cầu công việc do hạn chế về sức khỏe, năng lực… Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm một số nước trên thế giới (Nhật Bản quy định nhiệm kỳ hòa giải viên là 3 năm, Hàn Quốc là 2 năm).
Đồng tình với quan điểm này, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, đòi hỏi hòa giải viên có kinh nghiệm 10 năm và thời gian được bổ nhiệm 3 năm là hợp lý. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng hòa giải tốt hơn cho người dân.
Về trả thù lao cho hòa giải viên, UBTVQH nhận thấy, quy định về thù lao của hòa giải viên đòi hỏi phải rất cụ thể, nếu quy định cứng trong Luật dễ dẫn đến thường xuyên phải sửa Luật. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật giao Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án, hòa giải viên được hưởng thù lao do Chính phủ quy định.
Đề cập vấn đề này, đại biểu Lò Thị Luyến (tỉnh Điện Biên) đề nghị Quốc hội quyết định kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Có ý kiến cho rằng, do hòa giải viên không phải là cán bộ, công chức, viên chức nên không thể áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật công chức, viên chức nên không thể “kỷ luật hòa giải viên” mà chỉ có thể “xử lý vi phạm đối với hòa giải viên” mà thôi.
Trả lời một trong những băn khoăn của các đại biểu là bảo vệ bí mật của đương sự tham gia hòa giải, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết: Việc bảo vệ bí mật của đương sự tham gia hòa giải là nguyên tắc cao nhất của hòa giải viên, là bổn phận của hòa giải viên. Thẩm phán cũng không được biết các bí mật đó mà đương sự chia sẻ với hòa giải viên. Do đó, trong các phiên hòa giải không thực hiện việc ghi âm, ghi hình, lập biên bản.
Chỉ 3 đối tượng phải đóng phí hòa giải
UBTVQH cho biết, nhiều ý kiến tán thành việc Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án đối với các đương sự với những lý do như tờ trình của Tòa án nhân dân Tối cao.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp. Có ý kiến đề nghị quy định đối tượng chịu chi phí là các vụ việc dân sự có giá ngạch từ 100 triệu đồng trở lên hoặc có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên; các vụ án hành chính mà pháp nhân, cá nhân có yêu cầu về trách nhiệm dân sự. Ý kiến khác đề nghị quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu chi phí hòa giải, đối thoại trong mọi trường hợp.
UBTVQH nhận thấy, hòa giải, đối thoại tại tòa án có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hằng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án; Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án với 3 trường hợp.
Trường hợp thứ nhất: Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch.
Trường hợp thứ 2: Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở.
Trường hợp thứ 3: Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hoặc thường là các khoản chi lớn, các bên có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm chi cho ngân sách Nhà nước. Mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp do Chính phủ quy định chi tiết.
Ý kiến ()