Làm rõ nguyên nhân 619,8 ha lúa không kết hạt ở Tuyên Quang
Vào những ngày này, dù người dân vùng hạ huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã bước vào gieo cấy vụ mùa, nhưng dư âm của vụ lúa xuân với 619,8 ha lúa giống BC15 không kết hạt, tỷ lệ lép cao vẫn còn ám ảnh.
Vào những ngày này, dù người dân vùng hạ huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã bước vào gieo cấy vụ mùa, nhưng dư âm của vụ lúa xuân với 619,8 ha lúa giống BC15 không kết hạt, tỷ lệ lép cao vẫn còn ám ảnh.
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, vụ xuân 2013 tỉnh Tuyên Quang gieo cấy 20.254 ha lúa, trong đó, 2518 ha lúa gieo cấy bằng giống BC15, chiếm 12,5% diện tích lúa toàn tỉnh. Trong đó, huyện Sơn Dương có 32/33 xã, thị trấn cấy giống lúa này với diện tích khoảng 950 ha và cũng chính huyện này là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất.
Khu vực bị thiệt hại nặng tập trung ở 16 xã phía nam của huyện, các xã này gieo cấy 675 ha giống lúa BC15, thì có tới 619,8 ha bị thiệt hại nặng nề, trong đó, 529,8 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên đến toàn bộ. Toàn bộ giống lúa này đều do Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình (CTCPGCT) cung cấp.
Chủ tịch UBND xã Đại Phú Nguyễn Văn Mỵ cho biết, vụ xuân vừa qua, xã xây dựng kế hoạch gieo cấy 276 ha lúa, nhưng do thuận lợi về nước người dân đã cấy thêm được 44 ha, đưa tổng số diện tích lúa vụ xuân lên 320 ha. Đây là năm xã có diện tích cây lúa vụ xuân lớn và vượt nhiều so với kế hoạch, ai cũng mừng và hy vọng sẽ vượt kế hoạch sản lượng lương thực. Tuy nhiên, 25/27 thôn của xã bị thiệt hại nặng do diện tích lúa giống BC15 không kết hạt, tỷ lệ lép cao. Theo tổng hợp của xã, ở 25 thôn này, diện tích bị thiệt hại của giống BC15 là 118 ha (số tổng hợp ban đầu là 109,4 ha). Đây là xã có diện tích bị thiệt hại nhiều nhất của huyện. Ông Mỵ cũng cho biết thêm, ngay sau khi phát hiện tình trạng lúa không kết hạt thì đơn vị cung cấp giống CTCPGCT Thái Bình đã cử đại diện về kiểm tra thực tế công nhận đây là giống lúa của công ty bán ra và đưa ra nguyên nhân thiệt hại là do thời tiết.
Ông Mỵ băn khoăn, bốn năm nay, Đại Phú đã trồng giống lúa này ở vụ xuân. Các vụ trước thời tiết cũng khắc nghiệt trong đó có năm rét đậm, rét hại nhưng cây lúa BC15 vẫn phát triển rất tốt, bình quân cho sản lượng tới sáu tấn/ha. Vì vậy, lý do ảnh hưởng của thời tiết là chưa thuyết phục. Hai là, nếu do thời tiết thì các giống lúa khác cấy cùng thời điểm cũng sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên những giống lúa này vẫn cho năng suất cao.
Ông Lại Bá Hợp, Trưởng thôn Thái Sơn Đông khẳng định, “đổ” hết cho thời tiết là không đúng mà một phần nguyên nhân có thể là do chất lượng giống. Vì cả thôn cấy 8ha thì chỉ có cánh đồng Âu, Gốc Mai thì bị thiệt hại, còn cánh đồng khu rừng cọ thì lại không bị. Ngay ở xã Đại Phú cũng có hai thôn không bị thiệt hại hoặc không đáng kể. Ông Hợp cho biết, thôn ông là nơi đầu tiên của xã Đại Phú đưa giống lúa BC15 vào gieo cấy, nên nói về trình độ canh tác thì khỏi nói. Quy trình gieo cấy, kỹ thuật thâm canh người dân áp dụng đã thuần thục và luôn triệt để theo hướng dẫn.
Ông Hợp chép miệng, vụ này cả thôn đi ăn đong rồi !
Cũng tâm trạng như ông Hợp, anh Lại Đức An, một hộ nông dân (vừa thoát nghèo năm 2012) trong thôn than thở, nhà có bốn khẩu được hai sào ruộng, anh nhận cấy rẽ thêm 2,5 sào nữa. Mấy vụ trước BC15 được ngót ba tạ/sào. Vụ này cấy 3,5 sào lúa BC 15 mà thu chưa đầy tạ lúa, trong khi đó một sào còn lại cấy giống Khang dân thì được hơn hai tạ. Anh buồn bã, lấy gì để trả sản phẩm cho phần ruộng nhận cấy rẽ và nguy cơ gia đình anh trở lại diện nghèo đang dần hiện hữu.
Các xã trong vùng như: Thiện Kế thiệt hại 72ha; Văn Phú: 55,8ha; Đông Lợi: 49,5ha; Ninh Lai: 42,4ha;… Người nông dân cũng có những nhận xét tương tự và mong sớm làm rõ nguyên nhân.
Làm việc với các cơ quan chức năng, được biết, ngay sau khi xác định thiệt hại, tỉnh đã chỉ đạo huyện hỗ trợ nhân dân theo chính sách hỗ trợ cây trồng bị thiên tai theo quy định của Quyết định 142/2009/QĐ-TTg. CTCPGCT Thái Bình cũng hỗ trợ nông dân trong vùng (16 xã bị thiệt hại) 15 tấn giống.
Xã Đại Phú có 1.781 hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, trong đó 1.412 hộ trồng lúa BC15 vụ xuân vừa qua; toàn xã có 584 hộ nghèo và 444 hộ cận nghèo. Để đầu tư cho một sào ruộng từ giống, công cày bừa, làm cỏ, gặt,… tới khi thu hoạch cũng có mức chi phí tối thiểu khoảng 800 nghìn đồng. Nay ngoài phần hỗ trợ từ tỉnh hai triệu đồng/ha nếu thiệt hại trên 70%; thiệt hại từ 30%-70% hỗ trợ một triệu đồng (theo quy định) và như Chủ tịch UBND xã Đại Phú Nguyễn Văn Mỵ cho biết, phần hỗ trợ 15 tấn giống của CTCPGCT Thái Bình thì mỗi sào ruộng ở xã cũng theo tỷ lệ thiệt hại ở trên thì chỉ được 810g và 400g lúa giống/sào thì phần thiệt hại nặng nề nhất vẫn thuộc về người nông dân.
Qua tìm hiểu được biết, vụ mùa này giống lúa BC15 đã giảm diện tích gieo cấy ở các xã phía nam huyện Sơn Dương. Cụ thể như xã Đại Phú vụ mùa chỉ còn 90/390ha lúa, chưa bằng 1/4 diện tích, trong khi đó ở vụ xuân giống lúa này là 122/320 ha, hơn 1/3 diện tích gieo trồng. Ở các xã khác cũng vậy, tỷ lệ cấy lúa BC15 cũng đều giảm.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm chỉ đạo làm rõ nguyên nhân để khẳng định chất lượng giống cho người dân (không chỉ ở huyện Sơn Dương) yên tâm sản xuất và khắc phục hậu quả để người nông dân đỡ bị thiệt thòi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()