Làm rõ đường dây làm tiền giả, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức
Ngày 30/8, Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã kết luận điều tra vụ án đề nghị truy tố 14 bị can về 7 tội danh “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình điều tra xác định, khoảng cuối tháng 6/2024, Nguyễn Văn Đại, sinh năm 1994; Hồng Tuấn Thành, sinh năm 2003 cùng trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định chủ mưu, cầm đầu thuê địa điểm tại thành phố Hà Nội trực tiếp làm, đặt dây chuyền sản xuất giấy tờ giả. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã sử dụng căn cước công dân giả mở tài khoản ngân hàng, mạng xã hội ảo để hoạt động mua bán giấy tờ giả.
Sau đó, Đại, Thành thuê Đỗ Văn Hải, sinh năm 1998; Trần Quang Liêm, sinh năm 2003; Trịnh Quang Trường, sinh năm 2000; cùng trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định làm trung gian mua bán giấy tờ giả bằng cách thông qua mạng xã hội để quảng cáo, tìm kiếm khách hàng có nhu cầu rồi gửi thông tin cho Đại, Thành làm giấy tờ giả. Sau đó nhận, chuyển lại cho khách hàng hưởng chênh lệch.
Nhóm này đã giao dịch, đặt làm cho rất nhiều khách hàng, trong số này có Nguyễn Văn Huân, sinh năm 1983, ở thành phố Hải Phòng; Nguyễn Thị Hải Ninh, sinh năm 1991 ở tỉnh Quảng Ninh đặt mua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thực hiện hành vi phạm tội.
Khoảng cuối tháng 7/2023, Lê Bá Toàn, sinh năm 1993; trú tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa khởi xướng, tìm kiếm, liên hệ, điều hành các đối tượng Nguyễn Văn Đại, Hồng Tuấn Thành và Vũ Tiến Đạt, sinh năm 2000; trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định sản xuất tiền giả mệnh giá 500.000 đồng và đặt dây chuyền máy móc, thiết bị chuyên sản xuất tiền giả ở địa chỉ đã thuê tại thành phố Hà Nội.
Sau đó, Toàn thuê các đối tượng Hoàng Trung Hòa, sinh năm 1997; Vì Văn Ninh, sinh năm 2003; cùng trú tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để giao tiền giả cho Nguyễn Xuân Thiệp, Phan Mạnh Hùng, ở Quảng Ninh, Nguyễn Tùng Bách ở Hà Nội và một số khách hàng khác tại nhiều tỉnh, thành phố. Các đối tượng trên đã làm 126 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng, đã tiêu thụ hơn 80 triệu tiền giả; hưởng lợi hơn 100 triệu đồng.
Qua đấu tranh với các đối tượng cho thấy, hiện nay tiền giả được làm khá tinh vi, có nhiều đặc điểm giống nhất với tiền thật làm cho người tiêu dùng khó phân biệt được thật - giả. Các đối tượng thường lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân và có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt người tiêu dùng như tiêu thụ tiền giả vào lúc chập choạng tối; tiêu thụ tiền giả tại các khu chợ, cửa hàng tạp hóa lúc đông đúc, bận rộn để mua hàng giá trị thấp trả lại tiền thật hoặc để xen lẫn tiền giả, tiền thật khi mua hàng nhằm tránh bị phát hiện...
Qua đó, người dân cần cảnh giác, đề phòng các đối tượng tiêu thụ tiền giả; cũng như cẩn thận, cảnh giác các thủ đoạn nêu trên; có thói quen kiểm tra tiền khi nhận từ khách hàng và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.
Về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, đề nghị người dân nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nâng cao cảnh giác trước các nội dung mời chào mua bán, cung cấp giấy tờ, bằng cấp giả trên mạng xã hội. Đặc biệt không mua, sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả vào bất kỳ mục đích gì vì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Ý kiến ()