Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu vừa có buổi trao đổi với báo chí để làm rõ thêm một số nội dung của Thông tư số 19/2010/TT-NHNN ngày 27-9-2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20-5-2010 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD. Thống đốc NHNN nhấn mạnh, NHNN điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm thực hiện mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định, vấn đề bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng luôn được Chính phủ, NHNN đặc biệt quan tâm. Ngay từ năm 2005, NHNN đã ban hành Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD. Quyết định trên đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn và phát triển bền vững của hệ thống NHTM Việt Nam.
Từ thực tế của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, việc nâng cao tính an toàn của hệ thống ngân hàng càng trở nên quan trọng hơn do hoạt động ngân hàng mang tính chất nhạy cảm và có tác động rất mạnh mẽ đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6-4-2010 của Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ cho NHNN phải có các điều chỉnh, bổ sung về cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng. Trước yêu cầu đó, ngày 20-5-2010, NHNN đã ban hành Thông tư số 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, có hiệu lực thi hành từ 1-10-2010 với một số điều chỉnh so với các quy định trước đó để phù hợp với hoạt động của các TCTD trong giai đoạn mới.
Việc ban hành Thông tư 13 đã được NHNN tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, trên cơ sở nắm rõ đặc điểm hệ thống Ngân hàng Việt Nam, kết hợp tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới và xin ý kiến Hiệp hội ngân hàng, các chuyên gia, các tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài. Thời gian hiệu lực của thông tư kể từ ngày ký là trên bốn tháng cũng đã được xem xét một cách phù hợp với thực tế, đủ để cho các TCTD có điều kiện chuẩn bị thực hiện.
Về một số nội dung của Thông tư số 19/2010/TT-NHNN ngày 27-9-2010 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết: Qua nghiên cứu thực tiễn các TCTD, việc triển khai các quy định của Thông tư 13 xuất hiện một số vấn đề bất cập mà điều kiện kinh tế vĩ mô hiện chưa cho phép thực hiện. Bên cạnh đó, đặc điểm của hệ thống Ngân hàng Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với các nước trên thế giới, những năm gần đây, hệ thống ngân hàng phát triển rất nhanh nhưng chưa đồng đều giữa các ngân hàng. Chính vì vậy, NHNN đã ban hành Thông tư 19 sửa đổi một số điều của Thông tư 13 để sát với thực tế hơn.
Điểm sửa đầu tiên của Thông tư 19 tại Khoản 2 Điều 1 là “Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” (Thông tư 13) được sửa thành “Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động”. Như vậy, ngoài phần vốn tự có, các TCTD được sử dụng phần còn lại vào hoạt động tín dụng theo Luật.
Điểm thứ hai, các TCTD được tính tiền gửi Kho bạc vào nguồn vốn huy động khi xác định “Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động”. Về vấn đề này, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, năm 2010, lượng tiền gửi Kho bạc tại các NHTM là rất lớn (khoảng 57.000 tỷ VND). Trước mắt, NHNN cho phép các TCTD được tính tiền gửi Kho bạc vào nguồn vốn huy động sẽ không làm tăng tín dụng; theo lộ trình mới, tiền gửi Kho bạc tại các TCTD sẽ được giảm dần và không gây biến động lớn.
Điểm thứ ba, Thông tư 19 bỏ quy định tính toán phần “bảo lãnh” vào tỷ lệ an toàn; do xét thấy thực tế nghiệp vụ bảo lãnh ở Việt Nam chưa phát sinh nhiều và các khoản bảo lãnh của ngân hàng hầu hết giá trị không cao.
Điểm sửa đổi thứ tư, Thông tư 19 cho phép TCTD cơ cấu “25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế (trừ TCTD)” vào nguồn vốn huy động. Hiện nay, các tổ chức kinh tế có tiền gửi không kỳ hạn khá lớn, nếu có biến động nhỏ có thể khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về nguồn vốn. Theo khảo sát của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, biến động của nguồn tiền gửi không kỳ hạn có thể lên đến 80%. Như vậy, lượng tiền còn tồn lại khoảng 20% đến 30% tương đối ổn định. Chính vì thế, Thông tư 19 cho phép TCTD được sử dụng 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế để cấp tín dụng. Tuy nhiên, Thống đốc cũng lưu ý đây là một tỷ lệ nhạy cảm, NHNN sẽ theo dõi sát sao việc thực hiện để tránh xảy ra đột biến.
Điểm thứ năm, Thông tư 19 cho phép các TCTD có thể sử dụng nguồn vốn từ “tiền vay của các TCTD khác có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên”. Việc cho vay này đòi hỏi các ngân hàng phải tính toán rất chặt chẽ trên cơ sở thực tế và khả năng bảo đảm về quản trị rủi ro, hiện nay, phần vốn này trên thị trường liên ngân hàng cũng chỉ vào khoảng 11.000 tỷ đồng (chiếm 4,4%). Do đó, tác động tăng tín dụng cao từ quy định này là không có khả năng xảy ra.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN những tháng cuối năm 2010, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng giữa hai mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần tăng trưởng kinh tế như đã đặt ra từ đầu năm.
Tính đến ngày 27-9, tăng trưởng tín dụng đạt 19,27%, đến hết tháng 9-2010 tăng khoảng 19,5%. Như vậy, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 25% cho cả năm sẽ thực hiện được. Những tháng cuối năm 2010, NHNN theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thị trường để có biện pháp điều hành linh hoạt đảm bảo đúng mục tiêu đề ra.
Ý kiến ()