Biện pháp để chống lại nguy cơ suy thoái đối với nền kinh tế, cơ quan điều hành cần có những chính sách tích cực hơn để kích cầu và phía doanh nghiệp cũng cần phải tái cơ cấu, tránh “tự sát kinh tế”, sản xuất những mặt hàng không có người mua/không có khả năng mua.
Tổng cục Thống kê sáng nay (24/6) vừa công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 6.
Theo đó, tháng này CPI cả nước đã giảm 0,26% so tháng 5 – đây là lần giảm phát đầu tiên ở Việt Nam lần đầu tiên sau 38 tháng.
So với tháng 12/2011, CPI cả nước đã tăng 2,52% – trong tương quan mục tiêu lạm phát cả năm vào khoảng 7-8%. Thậm chí, theo dự báo của nhóm chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thì mức dự báo lạm phát cả năm chỉ rơi vào khoảng 6,2%.
So cùng kỳ năm trước, lạm phát tháng 6 tăng 6,9% và như vậy, với mức lãi suất huy động đang ở trần 9% hiện tại, ở Việt Nam vẫn duy trì lãi suất thực dương.
Nếu tính sáu tháng đầu năm, CPI cả nước đã tăng 12,2% so cùng kỳ năm trước.
Đây không phải là thông tin quá bất ngờ khi trước đó, các Cục Thống kê tại hai “đầu tàu” kinh tế là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lần lượt công bố hiện tượng giảm phát với mức giảm tương ứng 0,17% chạm “đáy” 10 năm và 0,43%, thấp nhất 23 tháng.
Cụ thể, bình quân cả nước, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,23% trong đó, nhóm lương thực giảm mạnh xuống 0,78%, thực phẩm giảm 0,31%. Ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,6%.
Tháng này, với các động thái điều hành giảm giá xăng dầu từ liên Bộ Công thương – Tài chính đã góp phần giúp chi phí ở nhóm giao thông giảm ấn tượng tới 1,64%.
Các nhóm hàng nằm trong diện giảm giá còn lại, chiếm 5 trên tổng số 11 nhóm hàng trong rổ tính giá, có nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng – bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (giảm 1,21%), bưu chính viễn thông (giảm 0,02%), văn hóa giải trí và du lịch (0,27%).
Ở chiều ngược lại, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,33%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,62%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,46%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,46%, giáo dục tăng 0,1% và nhóm hàng hóa và dịch khác tăng 0,35%.
Không nằm trong rổ tính giá, trong khi chỉ số giá vàng tụt giảm mạnh 2,03% thì chỉ số giá USD tăng 0,2%.
Tình trạng giảm phát đặt trong bối cảnh có tới 70% doanh nghiệp thua lỗ trong quý I và tới gần 22.000 doanh nghiệp đã phải giải thể, phá sản tính từ đầu năm, tăng trưởng GDP quý II ước 4,5%, thì đây là một dấu hiệu đáng lo ngại của nền kinh tế.
Chính phủ sẽ cần nhiều hơn những biện pháp hỗ trợ đầu ra cho cộng đồng doanh nghiệp, kích thích cầu thị trường để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa và khơi thông dòng vốn.
Vừa rồi, theo quan sát của Dân trí, một số giải pháp cơ bản đã được cơ quan điều hành áp dụng bao gồm tăng lương, hạ lãi suất, đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2% mỗi tháng cho đến cuối năm. Ngoài ra, theo như tuyên bố của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì đến hết năm nay, mỗi tháng sẽ “bơm” ra nền kinh tế một lượng tiền lên đến 21.000 tỷ đồng. Tất nhiên, Chính phủ cũng cam kết sẽ không để lạm phát quay trở lại vào những năm tới.
Mới đây, kết thúc kỳ họp Quốc hội cũng đã thông qua một số giải pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân, trong đó có việc đồng ý phương án giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 và miễn thuế thu nhập cá nhân từ 1/7 này đến 31/12 đối với những cá nhân có thu nhập tính thuế ở cấp I.
Về phía doanh nghiệp, để tránh việc “tự sát kinh tế” trong bối cảnh hiện tại, bắt buộc phải cơ cấu lại danh mục hàng hóa sản xuất, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ và nâng cao năng lực quản trị và “cứu mình trước khi chờ được cứu”.
Ý kiến ()