Nhiều nhóm hàng tăng giá trở lại sau 2 tháng giảm (Ảnh: H.Kỹ)
Sáng nay, Tổng cục Thống kê chính thức công bố số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước của tháng 8/2012. Theo đó, tháng này, CPI đã tăng 0,63% so tháng 7 và tăng 5,04% so cùng kỳ tháng 8/2011.
Nếu so mốc tháng 12/2011 thì 8 tháng, chỉ số CPI cả nước tăng 2,86%, vẫn đang thấp so mức mục tiêu đến cuối năm, lạm phát ở mức khoảng 7-8%.
Tính lũy kế, 8 tháng đầu năm 2012, CPI cả nước đã tăng 10,41% so cùng kỳ năm 2011.
Như vậy, diễn biến của chỉ số giá trong tháng này đã đi chệch dự báo trước đó, cho rằng lạm phát chung của tháng 8 sẽ tiếp tục âm dựa trên phỏng đoán giá lương thực thực phẩm và giá năng lượng còn giảm. Thực tế, tháng 6 và tháng 7, nếu loại bỏ 2 yếu tố này khỏi rổ tính giá thì lạm phát lõi vẫn dương.
Trong kỳ tính của tháng này, có 2 trên 11 nhóm hàng hóa của rổ tính giá là chỉ số giá tiêu dùng giảm. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm có quyền số lớn nhất của rổ tính giá, chiếm tỉ trọng gần 40% – tiếp tục đà giảm giá với mức giảm 0,18% so tháng 7.
Trong đó, chỉ số giá lương thực giảm 0,43%, thực phẩm giảm 0,27% và ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,35%.
Nhóm thứ 2 giảm giá là bưu chính viễn thông với mức giảm khiêm tốn 0,01% so tháng 7.
Giá xăng dầu điều chỉnh tăng trong tháng đã khiến chi phí giao thông tăng mạnh, mức tăng so tháng 7 là 1,07%. Được biết, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục kêu lỗ và liên tục có kiến nghị xin tăng giá ở mặt hàng này vào thời gian gần sắp tới.
Cụ thể, tính đến chiều 23/8, đã có hai doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu là Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Đồng Tháp và Tổng công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính đề xuất tăng 1.200 đồng trên mỗi lít xăng. Lý do đề xuất dựa trên giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng mạnh
Như vậy, dự kiến, trong tháng 9, chỉ số giá ở nhóm giao thông còn tiếp tục tăng cao.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng “khủng khiếp” với mức tăng lên đến 2,03%. Trong cơ cấu tính giá của nhóm này bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng.
Có thể lý giải mức tăng mạnh ở nhóm này do ảnh hưởng của việc tăng giá điện 5%, tạo chi phí đẩy để tăng giá thuê nhà ở (trong bối cảnh sinh viên ở các trường đại học đến kỳ nhập học trở lại cho năm học mới). Dân trí trước đó cũng đã lưu ý, rằng biểu giá điện cho đối tượng người dân thuê nhà ở cao hơn rất nhiều so mức bình quân.
Nối tiếp đà tăng của tháng trước, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế đạt mức tăng lên đến 5,44% so tháng 7, trong đó, dịch vụ y tế tăng giá đến 7,71%. Như vậy có thể thấy, mặc dù, từ 1/6, Thông tư 50 về việc quản lý và ngăn chặn hỗn loạn giá thuốc trên thị trường đã có hiệu lực nhưng cho đến nay, hiệu lực của Thông tư đối với thị trường vẫn chưa được thể hiện.
Một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có thể tăng do các yếu tố đầu vào cho sản xuất như nguyên liệu, chi phí vận tải tăng, đặc biệt là những mặt hàng thuốc nhập khẩu.
Các nhóm hàng còn lại như thiết bị và đồ dùng gia đình; may mặc, mũ nón, giầy dép; giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch; các hàng hóa và dịch vụ khác lần lượt tăng 0,35%; 0,57%; 0,48%; 0,95% và 0,42%.
Không nằm trong rổ tính giá, tuy nhiên có thấy biến động mạnh ở chỉ số giá vàng. Nếu như thống kê các tháng gần đây, giá vàng đều giảm so tháng trước thì với nhu cầu đầu tư tăng cao đột biến trong tháng này đã đẩy chỉ số giá vàng tăng 0,41%. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra với nhà đầu tư, trong bối cảnh thị trường hiện nay, đà tăng của giá vàng là không bền vững và nhà đầu tư nên có những quyết định thận trọng để tránh thiệt hại.
Trong khi đó, chỉ số giá USD tiếp tục giảm nhẹ 0,15%.
Ý kiến ()