Lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ và châu Âu
Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng điểm trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến. Đây là tín hiệu tích cực mở đường cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm bớt tốc độ tăng lãi suất, đem lại hy vọng cho các nền kinh tế và doanh nghiệp vốn chịu áp lực của lạm phát tăng cao trong nhiều tháng qua.
Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) Mỹ. Ảnh: REUTERS |
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, giá tiêu dùng trong tháng 11 đã tăng 7,1% so cùng kỳ 2021, thấp hơn mức 7,7% trong tháng 10. Giá của những nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ chốt đều tăng ít hơn dự báo.
Đặc biệt, giá ô-tô đã qua sử dụng, một nhân tố khiến lạm phát tăng mạnh trong đại dịch Covid-19, giảm 2,4%; đánh dấu tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Giá thuê nhà, vé máy bay, dịch vụ y tế và hàng may mặc đều giảm.
Nhìn nhận về triển vọng nền kinh tế số 1 thế giới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, lạm phát sẽ giảm dần trong năm 2023 và ở mức thấp hơn đáng kể vào cuối năm, nếu không có cú sốc bất ngờ nào.
Dù Bộ trưởng Janet Yellen thừa nhận nền kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái, song bà không cho rằng đây là yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát. Theo bà Janet Yellen, tăng trưởng kinh tế đang chững lại, sức ép lạm phát đang được tháo gỡ và thị trường lao động vẫn lành mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ hy vọng, việc tăng chỉ số lạm phát trong năm nay chỉ trong ngắn hạn và Chính phủ Mỹ đã rút ra được nhiều bài học về việc cần phải kiềm chế lạm phát sau một đợt tăng giá, giống như những gì đã từng diễn ra những năm 1970.
Kết quả khảo sát do FED chi nhánh New York công bố mới đây cho thấy, người tiêu dùng lạc quan rằng lạm phát sẽ giảm đáng kể trong năm 2023. Những người tham gia khảo sát cho rằng, lạm phát hằng năm đạt 5,2%; thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát thực hiện hồi tháng 10. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021, giai đoạn đầu của đợt leo thang lạm phát kìm hãm nền kinh tế, buộc FED phải tiến hành một loạt đợt tăng mạnh lãi suất.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), vốn là chỉ số lạm phát chính được FED dùng khi đưa ra chính sách tiền tệ, đã có dấu hiệu tăng chậm lại trong tháng 10. Cụ thể, chỉ số PCE trong tháng 10 tăng 6% so cùng kỳ năm 2021, thấp hơn nhiều mức tăng mạnh của tháng 9.
Lạm phát và lãi suất hạ nhiệt là những tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp. Sau khi thông tin lạm phát của Mỹ được công bố, giá cổ phiếu tại Mỹ và châu Âu đã đồng loạt tăng. Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) cho biết, nền kinh tế Mỹ đang nhìn thấy những dấu hiệu tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát. Nhà phân tích thị trường của Briefing.com, Patrick O’Hare (P.Ô Ha) cho rằng, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, FED nên xem xét giảm tốc các đợt tăng lãi suất.
Trong khi đó, tại châu Âu, lạm phát giá hàng tạp hóa ở Anh đã giảm trong tháng 11 vừa qua, lần giảm đầu tiên trong gần hai năm trở lại đây. Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar, lạm phát giá hàng tạp hóa tại Anh trong bốn tuần tính đến ngày 27/11 là 14,6%, giảm 0,1 điểm phần trăm so mức cao kỷ lục hồi tháng 10, đánh dấu mức giảm lần đầu trong vòng 21 tháng.
Tỷ lệ lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 11/2022 đã giảm xuống mức 10%, thấp hơn mức cao kỷ lục 10,6% ghi nhận tháng trước đó. Đây là lần đầu trong vòng 17 tháng, Eurozone ghi nhận lạm phát giảm. Cơ quan Thống kê liên bang Đức cho biết, giá tiêu dùng ở Đức trong tháng 11/2022 đã giảm nhẹ, chủ yếu do giá dầu thấp hơn.
Theo số liệu sơ bộ của cơ quan nêu trên, tỷ lệ lạm phát ở Đức trong tháng 11 ở mức 10%. Trước đó trong tháng 10, tỷ lệ lạm phát của Đức chạm ngưỡng 10,4%; mức cao nhất kể từ năm 1951. Đây là lần đầu sau nhiều lần tăng giá, lạm phát đã giảm trở lại ở quốc gia “đầu tàu” châu Âu.
Cả Mỹ và châu Âu đã và đang nỗ lực trong cuộc chiến chống lạm phát. Việc giá tiêu dùng giảm nhiều hơn dự kiến và lạm phát hạ nhiệt góp phần giảm bớt áp lực cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Ý kiến ()