Lâm nghiệp cộng đồng: Bảo vệ và phát triển nguồn lợi từ rừng
LSO-Hiện nay toàn tỉnh có trên 240 nghìn ha rừng tự nhiên, nếu làm tốt công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng thì đây sẽ là nguồn lợi khổng lồ có nhiều giá trị về kinh tế, xã hội, môi trường và nghiên cứu khoa học...
LSO-Hiện nay toàn tỉnh có trên 240 nghìn ha rừng tự nhiên, nếu làm tốt công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng thì đây sẽ là nguồn lợi khổng lồ có nhiều giá trị về kinh tế, xã hội, môi trường và nghiên cứu khoa học…
![]() |
Cây cổ thụ tại rừng nguyên sinh Đông Đằng, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn |
Bước chuyển của rừng Suối Lông, Suối Mỷ
Suối Lông, Suối Mỷ là hai thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng III Hữu Lân, huyện Lộc Bình. Tại các địa phương này còn khá nhiều các cánh rừng tự nhiên nhưng theo điều tra, khảo sát của các đơn vị chuyên môn cách đây dăm năm thì những khu rừng này hầu hết là rừng trung bình, thậm chí là nghèo kiệt. Năm 2006, Hữu Lân được chọn để triển khai dự án lâm nghiệp cộng đồng, dự án này do quỹ ủy thác ngành lâm nghiệp (TFF) hỗ trợ thực hiện, trong đó triển khai trực tiếp tại cộng đồng 2 thôn Suối Lông và Suối Mỷ.
Mục tiêu của dự án là tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia tích cực của các cộng đồng địa phương vào việc quản lý tài nguyên rừng tự nhiên bền vững về mặt sinh thái. Trong giai đoạn đầu, dự án tập trung vào hỗ trợ, tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức về bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên cho người dân để thiết lập mô hình. Kết quả sau gần 3 năm triển khai thực hiện, giai đoạn I của dự án lâm nghiệp cộng đồng đã triển khai được hàng chục cuộc tập huấn, tuyên truyền cho hàng trăm lượt người dân tham gia.
Trước đây vốn là khuyến nông viên cơ sở, anh Nguyễn Văn Uyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hữu Lân rành rọt: Khi ấy, tôi là tổ viên tổ Lâm nghiệp cộng đồng của xã, cùng đi khảo sát thực trạng rừng và trực tiếp chuyển giao các nội dung dự án cho người dân. Rất khó có thể định lượng những kết quả đạt được nhưng theo khảo sát, đánh giá của ngành chuyên môn thì từ rừng nghèo, rừng trung bình, sau khi triển khai dự án, rừng Suối Lông, Suối Mỷ đã dần chuyển thành rừng giàu với hàng chục loài cây được bảo vệ, tái sinh. Và điều mà người dân Suối Lông, Suối Mỷ dễ nhận thấy nhất là sau khi kết thúc giai đoạn I của dự án, những nguồn sinh thủy trước kia gần như cạn kiệt thì nay trở lại dồi dào.
Bà Nguyễn Thúy Minh, điều phối viên dự án lâm nghiệp cộng đồng cho biết: Ngoài xã Hữu Lân, giai đoạn I của dự án lâm nghiệp cộng đồng cũng đồng thời triển khai ở 2 thôn Noóc Mò và Nà Mìu của xã Mẫu Sơn (Lộc Bình) và hiệu quả đạt được cũng rất khả quan. Trong đó quan trọng nhất là bước đầu hình thành cho cộng đồng các thôn trong dự án ý thức bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên và cụ thể hóa bằng việc xây dựng quy ước, hương ước thôn bản về quản lý, bảo vệ rừng.
Phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên
Năm 2009, giai đoạn I kết thúc, đến năm 2012, dự án lâm nghiệp cộng đồng giai đoạn II đã tiếp tục khởi động. Dựa trên nền tảng của giai đoạn I, giai đoạn này được coi là giai đoạn tăng cường và tiếp tục triển khai thực hiện ở 4 thôn trên địa bàn xã Mẫu Sơn, Hữu Lân. Ông Hoàng Quang Chinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng Ban quản lý dự án cho biết: Mục tiêu của giai đoạn II là đánh giá cụ thể và củng cố hiệu quả hoạt động của các mô hình lâm nghiệp cộng đồng trong giai đoạn I… đồng thời hình thành các mô hình kinh tế dưới tán rừng.
Đến thời điểm này đã có 143 hộ gia đình tham gia vào dự án với diện tích triển khai là trên 500ha. Từ khi khởi động giai đoạn II đến nay, ngoài công tác tập huấn, tuyên truyền, Ban quản lý dự án đã khảo sát và tiến hành hỗ trợ nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế. Qua khảo sát, mô hình được chọn là trồng ba kích và chanh rừng dưới tán rừng tự nhiên. Ông Hoàng Quang Chinh cho biết: Thời điểm này công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng khởi động mô hình, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ và phát triển vốn rừng là một trong những mục tiêu rất quan trọng mà dự án hướng tới.
Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh có khá nhiều địa phương triển khai tốt công tác bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng, ví dụ điển hình như việc hình thành các tổ, đổi tự quản bảo vệ rừng tại thôn Đông Đằng, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn. Kết quả là rừng nguyên sinh Đông Đằng vẫn tiếp tục được bảo vệ với quy mô hơn 13ha cùng hàng chục loại cây gỗ quý hiếm cổ thụ. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có trên 240 nghìn ha rừng tự nhiên, nếu mô hình lâm nghiệp cộng đồng có thể nhận rộng thì diện tích này sẽ được bảo vệ và đây sẽ là nguồn lợi khổng lồ có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, môi trường, khoa học.
VŨ NHƯ PHONG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()