"Làm mới" quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Anh
Tại chặng dừng chân quan trọng nhất trong chuyến công du châu Âu, bắt đầu từ ngày 23-5, có thể Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã hoàn thành mục tiêu "xốc" lại quan hệ đồng minh thân cận với Anh. Nhưng những tuyên bố của ông Ô-ba-ma ở Luân Đôn đồng thời cho thấy mối lo ngại ngày càng lớn của Oa-sinh-tơn về nguy cơ đánh mất sự ủng hộ từ các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương, cũng như suy giảm vị thế của Mỹ trên thế giới.Mục đích trọng tâm của ông Ô-ba-ma trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh lần đầu trong tám năm qua của một người đứng đầu Nhà trắng là 'làm mới' quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Anh, sau một số sự kiện gây căng thẳng. Từng có giai đoạn 'ấm áp' dưới thời cựu Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ và cựu Thủ tướng Anh T.Ble, nhưng quan hệ đồng minh Mỹ - Anh rơi vào thời kỳ khó khăn dưới thời cựu Thủ tướng Anh G.Brao. Gần đây, mối quan hệ thân cận giữa hai nước tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những sự kiện như Anh ủng hộ...
Mục đích trọng tâm của ông Ô-ba-ma trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh lần đầu trong tám năm qua của một người đứng đầu Nhà trắng là 'làm mới' quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ – Anh, sau một số sự kiện gây căng thẳng. Từng có giai đoạn 'ấm áp' dưới thời cựu Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ và cựu Thủ tướng Anh T.Ble, nhưng quan hệ đồng minh Mỹ – Anh rơi vào thời kỳ khó khăn dưới thời cựu Thủ tướng Anh G.Brao. Gần đây, mối quan hệ thân cận giữa hai nước tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những sự kiện như Anh ủng hộ trả tự do cho kẻ đánh bom máy bay Mỹ trên bầu trời Lốc-cơ-bi (Xcốt-len), vụ nổ giàn khoan dầu của Tập đoàn dầu khí Anh (BP) gây tràn dầu ở vịnh Mê-hi-cô, việc Luân Đôn tuyên bố rút 10.000 binh sĩ Anh khỏi Áp-ga-ni-xtan…
Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của chính quyền Ô-ba-ma và diễn biến hiện nay tại các chiến trường Li-bi, Áp-ga-ni-xtan đang làm lộ rõ các khúc mắc trong quan hệ Mỹ – Anh. Các nghị sĩ Anh cho rằng, Luân Đôn lệ thuộc quá nhiều vào Oa-sinh-tơn và cảnh báo xem xét lại 'quan hệ đặc biệt' với Mỹ. Trong khi đó, những gì thể hiện trong hơn hai năm cầm quyền vừa qua của ông Ô-ba-ma cho thấy sự chuyển hướng quan tâm của Oa-sinh-tơn về phía đông với Trung Quốc và Ấn Độ, về phía nam với các nước ở khu vực Mỹ la-tinh.
Quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu vì thế có phần kém nồng ấm. Châu Âu có lý do để không hài lòng với Mỹ, khi ông Ô-ba-ma không thực hiện cam kết đóng cửa hoàn toàn nhà tù Goan-ta-na-mô; Oa-sinh-tơn thiếu nhiệt tình trong vấn đề chống biến đổi khí hậu; hay mâu thuẫn trong chính sách phát triển kinh tế thời hậu khủng hoảng, giữa chính sách thắt lưng buộc bụng của châu Âu với các gói kích cầu khổng lồ của Mỹ… Cùng với đó, là sự suy giảm nhiệt tình của các đồng minh châu Âu trong cuộc chiến kéo dài ở Áp-ga-ni-xtan và sự cầm chừng của Mỹ tham gia cuộc chiến ở Li-bi.
Tại châu Âu, còn nhiều tranh cãi và nghi ngờ chung quanh chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen tại Pa-ki-xtan.
Nhằm củng cố quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, ông Ô-ba-ma khẳng định, châu Âu vẫn là 'đối tác nền tảng' của Oa-sinh-tơn trong xử lý các vấn đề quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, gây bất lợi cho Mỹ. Tại cuộc hội đàm ở Luân Đôn, Tổng thống Ô-ba-ma và Thủ tướng nước chủ nhà Đ.Ca-mê-rôn nhất trí thành lập Ban điều hành Chiến lược an ninh quốc gia chung để xác định những thách thức an ninh và kinh tế dài hạn của cả hai nước.
Oa-sinh-tơn và Luân Đôn thừa nhận, những diễn biến trong môi trường an ninh và kinh tế toàn cầu đòi hỏi có những thay đổi trong đường hướng chiến lược chung của hai nước. Tuy nhiên, hai bên vẫn bất đồng chung quanh chiến lược quân sự tại Li-bi và cách thức thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông…
Để thể hiện nỗ lực thắt chặt quan hệ đồng minh với châu Âu, trong bài phát biểu được chờ đợi trước các nghị sĩ hai viện QH Anh, tại tòa nhà Oét-min-xtơ ở Luân Đôn, người đứng đầu Nhà trắng tuyên bố, Mỹ và Anh đang bước vào một 'giai đoạn quan trọng mới', và rằng đây là thời điểm Mỹ và châu Âu giữ vai trò lãnh đạo thế giới. Ông Ô-ba-ma khẳng định, sự trỗi dậy của các quốc gia mới nổi, như Trung Quốc hay Ấn Độ, không làm suy yếu và chấm dứt tầm ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu trên toàn cầu. Khi ngày càng có nhiều nước chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo toàn cầu, thì liên minh Mỹ – Anh vẫn 'không thể thiếu' trong nỗ lực toàn cầu vì hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn!
Tuyên bố của ông Ô-ba-ma nhằm bác bỏ luồng ý kiến cho rằng, sức bật mạnh mẽ của những quốc gia mới nổi hiện nay báo hiệu sự suy yếu không tránh khỏi của cả Mỹ và phương Tây. Nhưng cũng đồng thời thừa nhận khả năng 'chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo thế giới' của mọi quốc gia, trong xu thế chung của chủ nghĩa đa phương, hợp tác toàn cầu. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây nhận định, sau 40 năm nữa kinh tế châu Á sẽ chiếm hơn 50% GDP toàn cầu và một nửa tỷ trọng thương mại thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo, nhóm sáu nền kinh tế đang nổi lên (gồm Bra-xin, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, In-đô-nê-xi-a và Hàn Quốc) đến năm 2025 sẽ đóng góp hơn một nửa tổng tăng trưởng toàn cầu, chi phối nền kinh tế thế giới. Khi các quốc gia đang phát triển trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành tâm điểm chuyển dịch 'quyền lực kinh tế' của thế giới, giành thêm vai trò trong xử lý các vấn đề toàn cầu, thì mối lo mất vị thế 'siêu cường thế giới' của Mỹ và phương Tây là có cơ sở.
Theo Nhandan
Ý kiến ()