LSO- Huyện Cao Lộc có 23 xã, thị trấn, trong đó nhiều xã điều kiện còn khó khăn, dân trí hạn chế, giao thông không thuận lợi như Cao Lâu, Xuất Lễ, Công Sơn, Mẫu Sơn; có nơi còn tồn tại những thói quen, tập tục lạc hậu trong sinh hoạt và trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Trước khi triển khai dự án Làm mẹ an toàn (LMAT), tỉ lệ phụ nữ được khám thai đủ 3 lần trong thai kỳ hàng năm dao động ở mức 30-40% và cũng chỉ chừng 40% bà mẹ đẻ tại cơ sở y tế. Sử dụng thiết bị siêu âm 4D khám thai định kỳ cho chị em phụ nữ mang thai tại Trung tâm Y tế Cao LộcVì vậy, ngay khi bắt đầu thực hiện dự án LMAT, Cao Lộc xác định lấy tuyên truyền làm trọng, một mặt nâng cao nhận thức cho người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) nói chung và LMAT nói riêng; mặt khác tăng cường vai trò, sự tham gia của các cấp, ngành để dự án được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc...
LSO- Huyện Cao Lộc có 23 xã, thị trấn, trong đó nhiều xã điều kiện còn khó khăn, dân trí hạn chế, giao thông không thuận lợi như Cao Lâu, Xuất Lễ, Công Sơn, Mẫu Sơn; có nơi còn tồn tại những thói quen, tập tục lạc hậu trong sinh hoạt và trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Trước khi triển khai dự án Làm mẹ an toàn (LMAT), tỉ lệ phụ nữ được khám thai đủ 3 lần trong thai kỳ hàng năm dao động ở mức 30-40% và cũng chỉ chừng 40% bà mẹ đẻ tại cơ sở y tế.
Sử dụng thiết bị siêu âm 4D khám thai định kỳ cho chị em phụ nữ mang thai tại Trung tâm Y tế Cao Lộc
Vì vậy, ngay khi bắt đầu thực hiện dự án LMAT, Cao Lộc xác định lấy tuyên truyền làm trọng, một mặt nâng cao nhận thức cho người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) nói chung và LMAT nói riêng; mặt khác tăng cường vai trò, sự tham gia của các cấp, ngành để dự án được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Với vai trò nòng cốt thực hiện dự án, ngành y tế đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác chỉ đạo, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể để tuyên truyền và đưa dịch vụ CSSKSS đến người dân. Cùng với đó là chú trọng xây dựng, củng cố mạng lưới cán bộ y tế; thường xuyên tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác CSSKSS nhằm triển khai hiệu quả chương trình LMAT ngay từ cơ sở. Bác sĩ Nguyễn Thị Bút- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh mà người dân đã nhận thức đúng và thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em như đảm bảo các bà mẹ được khám thai, quản lý thai nghén; có chế độ lao động, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; chọn nơi sinh để sinh nở an toàn… Hiện tại, tỉ lệ bà mẹ được khám thai đủ 3 lần trong thai kỳ ở Cao Lộc được nâng lên khoảng 70-80%; tỉ lệ bà mẹ sinh ở cơ sở y tế đạt 80%. Với 4 cán bộ thuộc Đội Bảo vệ bà mẹ trẻ em-KHHGĐ; 23 y sĩ sản nhi, nữ hộ sinh ở các xã, thị trấn cùng hơn 200 nhân viên y tế thôn, bản, mạng lưới cán bộ làm công tác CSSKSS của Cao Lộc đã phủ khắp các địa bàn. Ngoài ra, toàn huyện hiện có khoảng 30 bà đỡ, cô đỡ đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng, chính họ là những người góp phần đưa kiến thức khoa học, đưa dịch vụ CSSKSS về tới thôn, bản, tới hộ gia đình giúp các bà mẹ “vượt cạn” an tâm. Bác sĩ Bút cho biết thêm: Trong triển khai dự án LMAT, được sự quan tâm của Sở Y tế, Trung tâm đã phối hợp với tổ chức HEDO (Pháp) tập huấn cho 100 nhân viên y tế, cô đỡ thôn bản. Nhiều người trong số này đã trở thành “bà đỡ mát tay” cho hàng chục ca sinh nở ở địa phương. Để thực hiện hiệu quả chương trình LMAT, hàng năm Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm dân số huyện tổ chức chiến dịch tăng cường dịch vụ CSSKSS tới các vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao; đồng thời tổ chức truyền thông trực tiếp tại thôn, bản để chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, các bà mẹ được tiếp cận với những kiến thức bổ ích về LMAT và các dịch vụ y tế hiện đại. Và những nỗ lực đó góp phần giảm đáng kể tai biến sản khoa, tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh. Bác sĩ Đinh Hoàng Giang – Đội trưởng Đội Bảo vệ bà mẹ trẻ em-KHHGĐ cho biết: Từ khi thực hiện dự án, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được cải thiện rõ nét: số ca tử vong sơ sinh giảm xuống dưới 10 trường hợp, 2 năm trở lại đây không có tử vong mẹ. Hiện nay, tại Khoa Sản của trung tâm có phòng tư vấn khám thai, phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; hoạt động của các phòng tư vấn này cũng góp phần đáng kể giúp các bà mẹ vượt cạn an toàn, sinh ra những em bé khỏe mạnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2011, toàn huyện Cao Lộc không có tử vong mẹ; chỉ có 8 trường hợp tử vong sơ sinh hầu hết là do đẻ non, dị tật bẩm sinh; trong 903 phụ nữ đẻ thì 863 ca được cán bộ y tế đỡ, đạt gần 96%; số bà mẹ được chăm sóc sau sinh là 666 người, đạt trên 77% …. Những hiệu quả mà dự án LMAT mang lại với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự tham gia ngày càng tích cực của người dân đã và đang góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân ở huyện vùng cao biên giới này.
Thúy Hường
Ý kiến ()