Làm giàu từ ươm giống cây lâm nghiệp
– Nhiều năm nay, vườn ươm giống cây lâm nghiệp của chị Đặng Thị Tàn (sinh năm 1989), thôn Tân Tiến, xã Tân Hòa, huyện Bình Gia đã trở thành địa chỉ quen thuộc và tin cậy của nhiều hộ dân ở trong và ngoài tỉnh. Từ nghề ươm cây giống đã mang lại cho gia đình chị thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chị Tàn là con út trong một gia đình thuần nông, cuộc sống nhiều vất vả. Năm 2015, chị Tàn lập gia đình và sinh sống tại tỉnh Yên Bái. Tại đây, chị cùng chồng bắt đầu thử nghiệm phát triển vườn ươm cây giống. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nghề này, đến năm 2016, chị đã bàn bạc với chồng và quyết định chuyển về Tân Hòa mở vườn ươm cây giống.
Chị Đặng Thị Tàn chăm sóc vườn ươm
Chị Tàn cho biết: Vào thời điểm năm 2016, tôi thấy nhu cầu trồng rừng của người dân xã Tân Hòa và trong huyện Bình Gia ngày càng lớn, chính vì vậy, tôi về quê làm vườn ươm. Để có vốn, tôi vay tiền của người thân và bạn bè, cộng với số tiền ít ỏi tự tích lũy được 150 triệu đồng, vợ chồng tôi mở vườn ươm cây quế với diện tích 5 sào, quy mô 40 vạn cây giống/vụ.
Cuối năm 2016, chị đã xuất bán lô cây giống đầu tiên với số lượng 40 vạn cây cho khách hàng ở huyện Bình Gia, các huyện lân cận và các tỉnh: Thái Nguyên, Yên Bái. Với giá 500 đồng/cây, lô cây giống đầu tiên đem lại thu nhập 50 triệu đồng cho gia đình sau khi đã trừ chi phí. Thấy hiệu quả kinh tế, lượng khách cũng ổn định, từ năm 2018 đến nay, chị đã thuê đất của người dân trong thôn để mở rộng vườn ươm lên 12 sào. Mỗi năm, chị ươm gần 100 vạn cây giống, với giá bán từ 1.000 đến 1.200 đồng/cây giống, đem lại thu nhập chị trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Theo chị Tàn, ươm giống cây quế chủ yếu từ hạt. Để tỷ lệ hạt nảy mầm cao, chị lựa chọn hạt giống đảm bảo chất lượng từ vùng trồng quế ở Yên Bái. Cùng với đó, chị đầu tư giàn che và hệ thống tưới nước tự động cho vườn ươm. Chị còn học hỏi kinh nghiệm ươm cây giống trên sách, báo và các phương tiện truyền thông để áp dụng vào quá trình sản xuất, nhờ vậy, cây giống luôn đảm bảo chất lượng, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.
Vườn ươm cây quế không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình chị Tàn mà còn tạo việc làm cho lao động trong xã. Mỗi năm, vườn ươm của chị tạo việc làm thường xuyên cho 20 đến 25 lao động với thu nhập 250.000 đồng/người/ngày.
Được biết, ngoài ươm cây giống, xác định trồng rừng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả và lâu dài, từ năm 2016 đến nay, chị Tàn và các thành viên trong gia đình đã trồng được 12 ha quế với 8 vạn cây. Hiện diện tích rừng quế của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt. Không chỉ vậy, từ năm 2020, chị Tàn đã đầu tư xây dựng xưởng rộng 1.000 m2 để thu mua vỏ quế, chế biến và bán cho các thương lái, thu lãi trên 150 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về dự định thời gian tới, chị Tàn cho biết: Hiện nay, nhu cầu cây giống trồng rừng của người dân trong và ngoài tỉnh ngày càng lớn, thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng vườn ươm, tăng số lượng cây giống lên trên 150 vạn cây/năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Tàn và gia đình luôn chấp hành tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống ở khu dân cư. Ngoài ra, chị còn giúp 20 hộ dân trong xã về kỹ thuật và con giống để trồng quế.
Nhận xét về chị Tàn, ông Hoàng Kim Viện, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Chị Tàn là nông dân điển hình ở xã, dám nghĩ, dám làm, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển thành công mô hình vươn ươm cây giống. Vườn ươm của chị trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều hộ dân ở xã cũng như trong huyện và các tỉnh bạn. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn giúp đỡ bà con trong vùng, ai có nhu cầu về giống cây và kỹ thuật đều được chị hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Ý kiến ()