Làm giàu từ trồng cây ăn quả
Ông Nông Văn Lợi chăm sóc vườn na của gia đình |
Là một trong những gia đình trồng na đầu tiên trên mảnh đất xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, cho đến nay, mô hình trồng cây ăn quả của ông Nông Văn Lợi là mô hình kinh tế tiêu biểu của xã. Nhớ lại những ngày bắt đầu trồng na, khi ấy, ông Lợi lấy giống từ huyện Chi Lăng về, ươm và trồng được 890 cây. Sau khi thu hoạch, cây na cho quả ngọt sắc, múi dày và bán được giá cao. Vì vậy, nhiều hộ dân quanh thôn đã đến nhà ông Lợi xin giống để trồng thử. Nhận thấy cây na phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại đây, ông Lợi và gia đình mạnh dạn phát triển số lượng cây na từ 890 cây (năm 1990) lên trên 2000 cây (2005) và đến nay là hơn 3000 cây. Vào mỗi dịp thu hoạch, các thương lái từ tỉnh bạn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội… lại tấp nập đến thu mua tại vườn. Xác định thương hiệu na Lạng Sơn có tiếng vang trên thị trường, ông Lợi đã chủ động mở một quầy hàng bán hoa quả gần chợ Long Biên, thành phố Hà Nội để thuận lợi trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Với bản tính chăm chỉ, ham học hỏi, ông Lợi không ngừng áp dụng nhiều phương pháp trồng mới vào vườn na của gia đình. Điển hình sau chuyến học hỏi kinh nghiệm về trồng na ở Đông Triều (Quảng Ninh), ông Nông Văn Lợi đã chủ động áp dụng phương pháp cắt tỉa cành, thụ phấn cho cây. Nhờ vậy, cây na nhà ông cho quả to, ngọt hơn trước. Cùng với đó, ông còn đẩy mạnh chăm sóc cây, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và thâm canh tăng vụ để nâng giá trị kinh tế. Nếu như trước đây, cây na chỉ cho 1 vụ/ năm thì nay, với việc áp dụng phương pháp mới, na đã tăng 2 vụ/ năm với chất lượng ngày càng cao. Với trên 3000 cây na, mỗi năm thu hoạch từ 40 – 50 tấn, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 500 triệu đồng.
Ngoài ra, tận dụng diện tích đất tự nhiên bỏ trống của gia đình, ông Lợi còn chủ động trồng thêm một số loại cây ăn quả như mít tứ quý, táo và cây lâm nghiệp bạch đàn. Đến nay, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Lợi đã mở rộng đến 3000 cây na, hơn 5000 cây bạch đàn, 200 cây táo và mít, là mô hình trồng cây ăn quả tiêu biểu của huyện, hàng năm giúp giải quyết việc làm cho 20 lao động trên địa bàn xã. Không chỉ là bác nông dân có mô hình kinh tế cho giá trị cao, ông Lợi còn là người đi đầu trong phong trào hiến đất vì cộng đồng. Trước đây, con đường đi xã Cai Kinh sang xã Yên Sơn là đoạn đường nhỏ hẹp, ghồ ghề, ô-tô khó có thể đi lại. Trước tình hình đó, sau khi bàn bạc với gia đình, ông Lợi quyết định hiến hơn 600m2 đất rừng của gia đình để làm đường liên xã Cai Kinh – Yên Sơn. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ xã không có vốn để đầu tư, vì vậy, ông Lợi cùng một số hộ gia đình đã đứng ra vận động bà con cùng ủng hộ tiền mặt và ngày công. Được sự vận động của ông Lợi, nhiều gia đình đã tích cực tham gia ủng hộ trên 100 triệu đồng. Nhờ vậy mà tuyến đường liên xã Cai Kinh – Yên Sơn đoạn qua thôn Đồng Ngầu được mở mới với chiều dài gần 4km, sau khi đưa vào sử dụng đã giúp nhân dân tại 2 xã lưu thông thuận lợi.
Ông Nông Văn Điềm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cai Kinh cho biết: liên tục trong nhiều năm liền, ông Nông Văn Lợi được ghi nhận là cá nhân điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Cùng với đó, ông còn là người gương mẫu đi đầu trong nhiều phong trào của Chi hội cũng như của làng xóm. Với những thành tích như vậy, ông Nông Văn Lợi vinh dự là một trong 3 đại biểu của tỉnh tham dự Đại Hội thi đua yêu nước được tổ chức vào cuối tháng 8/2014 tại thủ đô Hà Nội.
Ý kiến ()