Làm giàu từ phế thải nông nghiệp
Với sự năng động, sáng tạo và khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, Lê Trường An, sinh năm 1990 ở xã Giao Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã có trong tay tiền tỷ từ việc mở xưởng sản xuất củi trấu.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải, kỹ sư Lê Trường An có công việc ổn định tại Hà Nội nhưng anh lại quyết định nghỉ việc về quê lập nghiệp. Chia sẻ về lý do, An cho chúng tôi biết: “Quê tôi người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, vì vậy từ bao nhiêu năm nay những phế thải nông nghiệp như vỏ trấu, rơm rạ… được người dân mang đi đốt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng đó, tôi đã từng nghĩ đến nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này nhưng chưa thành công”.
Lê Trường An tại xưởng sản xuất củi trấu sinh học (Ảnh: dantri.vn) |
Năm 2012, trong một lần đi công tác tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, khi đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và Long An, Trường An đã được tiếp cận với nhà máy sản xuất củi trấu (loại chất đốt làm từ vỏ trấu) phục vụ sản xuất công nghiệp.
Từ đó, An đã tìm hiểu, nghiên cứu và nhận thấy củi trấu rất phù hợp với việc đun nấu ở vùng nông thôn, nhất là trong thời buổi giá than và chất đốt đang ngày một đắt đỏ. Đặc biệt, nếu củi trấu được sử dụng làm nguyên liệu thay cho dầu mỏ, than đá thì sẽ rẻ hơn từ 30 – 45% trong phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp ở Việt Nam như: may mặc, sấy nông sản, thức ăn gia súc…
Khi nghiên cứu và tìm hiểu về mô hình sản xuất củi trấu, cùng với những kiến thức tìm đọc từ trên mạng, An nhận thấy mô hình này dễ làm, vốn đầu tư không quá lớn và cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, An đã quyết định mở nhà máy sản xuất củi trấu tại Nam Định.
“Khi tôi lên kế hoạch cụ thể và trình bày ý tưởng với người thân, bạn bè, ai cũng phản đối quyết liệt. Mọi người đều cho rằng tôi viển vông và động viên tôi hãy làm tốt công việc hiện tại. Để có thể nhận được sự ủng hộ của gia đình, tôi phải động viên, thuyết phục bố cùng đi đến những tỉnh lân cận có nhà máy sản xuất củi trấu, gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với những chủ nhà máy đã thành công… Phải mất một thời gian dài, khi nhận thấy quyết tâm của tôi, bố mẹ đã quyết định cho tôi vay 200 triệu để khởi nghiệp” – An bộc bạch.
Với số tiền đó, năm 2013, An vay mượn thêm bạn bè và họ hàng mở nhà xưởng. Sau đó, An đi thu mua trấu để làm nguyên liệu, đồng thời phải tự mình tìm đầu ra cho sản phẩm.
T hời gian đầu mới bắt tay vào sản xuất, An gặp khó khăn do chưa nắm bắt được quy trình sản xuất của máy và độ ẩm của nguyên liệu. Để giải quyết bài toán này, An phải dành hơn một tháng vào miền Tây học thêm công nghệ và cách xử lý máy móc . Từ những bài học đầu tiên, anh đã nắm bắt quy trình, nguồn cung nguyên liệu, chủ động thu mua theo mùa vụ và nghiên cứu sấy khô công nghiệp thay vì thủ công như trước, đồng thời nâng cấp máy ép… Những bước cải tiến này giúp anh tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, được khách hàng ưa chuộng.
Lê Trường An được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2014 (Ảnh: dantri.com) |
Để nhiều người biết đến sản phẩm của mình, An đã xây dựng một mạng lướt tiếp thị qua mạng internet và tìm kiếm được các đối tác nhanh chóng. Vì vậy, trong thời gian ngắn sản phẩm củi trấu của An đã có chỗ đứng trên thị trường.
Trường An cho biết, hiện cơ sở sản xuất của anh đã đạt doanh thu từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ/năm; giải quyết việc làm cho 9 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ với mức lương gần 3 triệu đồng/người/tháng.
Những thành công bước đầu đã giúp chàng trai Trường An tự tin để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Hiện anh đang có ý định nhân rộng mô hình sản xuất củi trấu ra nhiều địa phương lân cận, đặc biệt là những vùng nông thôn, góp phần giải quyết bài toán phế phẩm nông nghiệp , đồng thời tạo thêm cơ hội để thanh niên nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công cho các bạn trẻ, ông chủ 9X Lê Trường An cho rằng: “Làm việc gì không quan trọng, mà quan trọng là lựa chọn được môi trường làm việc tốt để phát huy hết khả năng của bản thân. Nhiều bạn thanh niên cho rằng cứ phải ra thành phố thì mới có môi trường làm việc tốt, nhưng với tôi, nông thôn là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp, quan trọng là mỗi người hãy tìm cho mình một mục tiêu lớn của cuộc đời để hướng đến”.
Với những nỗ lực của mình, Lê Trường An vinh dự là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2014.
A nh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Giao Long, huyện Giao Thủy khẳng định: Mô hình sản xuất củi trấu của Lê Trường An là một mô hình mới có rất nhiều ưu điểm. Mô hình này đã góp phần quan trọng trong giải quyết các vấn đề rác thải nông nghiệp của địa phương .Hiện tại, cơ sở sản xuất của An, ngoài củi trấu còn làm thêm mùn cưa, vỏ lạc, đỗ…. tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.
Mô hình sản xuất củi trấu của Lê Trường An phát triển sẽ góp phần khích lệ nhiều thanh niên ở lại địa phương tham gia lao động sản xuất, xây dựng nông thôn ngày càng phát triển. Vì vậy, thời gian tới, Đoàn thanh niên xã cũng sẽ nghiên cứu mô hình và tìm nguồn vốn vay nhằm giúp thêm nhiều thanh niên có cơ hội triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()