Làm giàu từ nghề truyền thống
– Với sự năng động, cần cù, chịu khó học hỏi, anh Hoàng Công Hưng (sinh năm 1987), thôn Long Hưng, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn đã mạnh dạn phát triển kinh tế với nghề làm ngói máng. Từ mô hình này, anh Hưng đã vươn lên làm giàu và tạo công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương.
Trước đây, kinh tế của gia đình anh Hưng chủ yếu dựa vào làm ruộng và việc đóng gạch thuê nên cuộc sống rất khó khăn. Không cam chịu cảnh nghèo khó, anh luôn trăn trở suy nghĩ tìm cách làm giàu. Nhận thấy gia đình mình có nhiều thế hệ từng làm nghề ngói máng âm dương, nên bắt đầu từ năm 2015, anh tìm tòi, học hỏi những người đã có kinh nghiệm trong nghề để biết cách chọn đất, kỹ thuật đun ngói… và bắt tay vào sản xuất ngói máng âm dương.
Chia sẻ với phóng viên, anh Hưng cho biết: Những ngày đầu mới bắt tay vào làm, tôi cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, chưa biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất ngói… nên sản lượng ngói thấp, lượng ngói bị nứt vỡ khá lớn. Nhưng với sự quyết tâm nên tôi và gia đình vẫn nỗ lực gìn giữ, mạnh dạn đầu tư xây dựng lò, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm thêm.
Anh Hưng đang làm ngói máng âm dương
Khó khăn là vậy nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, anh Hưng luôn nỗ lực tìm tòi những cái mới, cái hay và áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình của mình. Theo đó, nhận thấy việc làm đất thủ công bằng tay tốn nhiều thời gian, công sức mà năng suất lại không cao nên năm 2016, thông qua Hội Nông dân xã, anh mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy làm đất. Đặc biệt, anh đã tìm đến những làng nghề lớn như Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh) tham quan và học hỏi phương thức xây lò mới để nâng cao sản lượng, chất lượng ngói, tạo màu đẹp, tránh nứt vỡ… Những năm đầu, khi chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngói máng, gia đình anh Hưng chỉ thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Đến nay, gia đình anh đã xây dựng được 2 lò nung công nghệ mới, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 500 nghìn viên ngói, sau khi trừ chi phí đem lại thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.
Không chỉ giúp cuộc sống gia đình anh dần được cải thiện hơn, mô hình làm ngói âm dương của gia đình anh Hưng còn tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương với thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Anh Dương Công Bình, thôn Tân Sơn, xã Bắc Quỳnh cho biết: Tôi làm ngói cho gia đình anh Hưng từ năm 2016 đến nay. Nhờ có anh Hưng tạo điều kiện cho tôi vừa học vừa làm tại đây nên tôi đã có một công việc khá ổn định với nguồn thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng lại được gần gia đình nên tôi rất yên tâm với công việc.
Nhận xét về anh Hoàng Công Hưng, ông Hoàng Quang Chuyền, Chủ tịch HND xã cho biết: Gia đình anh Hưng là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn xã. Không chỉ vươn lên làm giàu, cải thiện cuộc sống gia đình mà anh Hưng còn tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người xung quanh và tạo công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương. Anh Hưng thực sự là tấm gương sáng để đoàn viên, thanh niên học tập để lập thân, lập nghiệp tại quê nhà.
Với những nỗ lực trên, anh Hưng nhiều lần được nhận giấy khen của các cấp, ngành. Gần đây nhất, anh vinh dự nhận giấy khen của Ban Chấp hành HND huyện vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 – 2021.
Ý kiến ()