Làm giàu từ nghề trồng nấm sạch
Đoàn viên Nguyễn Văn Quý (xã Ngọc Châu, Tân Yên, Bắc Giang) đã vượt khó vươn lên làm giàu từ mô hình trồng nấm sạch. Bên cạnh đó, anh còn giúp nhiều hộ gia đình khác thoát nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương.Do nhà nghèo, lại đông anh em, cho nên sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Văn Quý (sinh năm 1984) tại Tân Yên (Bắc Giang) không học lên cao mà quyết định đi làm thuê để góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình. Sau nhiều năm lăn lộn với đủ công việc, cái duyên với nghề trồng nấm đến khi Quý được nhận vào làm công nhân trong trại nấm của Hội Cựu chiến binh phường Lộc Phát (thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng). Sau vài năm làm việc ở đó, Quý đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức từ nghề trồng nấm. Anh nhận thấy việc trồng nấm không cần vốn đầu tư lớn, nguyên liệu trồng nấm có sẵn tại địa phương và cây nấm rất phù hợp với khí hậu ở quê hương. Vậy là năm 2009, Nguyễn Văn Quý quyết định mang theo...
Do nhà nghèo, lại đông anh em, cho nên sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Văn Quý (sinh năm 1984) tại Tân Yên (Bắc Giang) không học lên cao mà quyết định đi làm thuê để góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình. Sau nhiều năm lăn lộn với đủ công việc, cái duyên với nghề trồng nấm đến khi Quý được nhận vào làm công nhân trong trại nấm của Hội Cựu chiến binh phường Lộc Phát (thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng). Sau vài năm làm việc ở đó, Quý đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức từ nghề trồng nấm. Anh nhận thấy việc trồng nấm không cần vốn đầu tư lớn, nguyên liệu trồng nấm có sẵn tại địa phương và cây nấm rất phù hợp với khí hậu ở quê hương. Vậy là năm 2009, Nguyễn Văn Quý quyết định mang theo những gì học được để áp dụng mô hình sản xuất nấm sạch tại quê nhà.
Những ngày đầu lập nghiệp, Quý mạnh dạn vay mượn khoảng 300 triệu đồng dùng xây dựng nhà xưởng và mua nấm giống các loại. Do có kinh nghiệm trồng nấm nhiều năm, cho nên Quý có nhiều sáng tạo, cải tiến giúp nấm phát triển phù hợp với khí hậu địa phương như: lợp xưởng bằng lá cọ để tạo độ ẩm cần thiết cho môi trường sống của nấm; tận dụng các loại phế thải có sẵn ở địa phương như rơm, rạ… làm nguyên liệu sản xuất. Những sáng kiến đó đã giúp trại nấm của Quý giảm chi phí đầu vào, giảm giá bán sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Khoảng hơn một tháng, Quý lại cho thu hoạch nấm và trồng gối vụ các loại nấm khác nhau để tăng năng suất. Ngay vụ đầu tiên với hơn một nghìn bịch nấm rơm, Quý thu hoạch được hơn một tấn nấm tươi, bán lãi khoảng 15 triệu đồng… Tích lũy vốn, kinh nghiệm, kiến thức theo từng vụ trồng nấm, đến nay trại nấm của Nguyễn Văn Quý đã phát triển diện tích lên 2.000 m2, trong đó diện tích dành cho trồng nấm là 800 m2. Mỗi năm sản xuất khoảng bảy tấn nấm khô, 70 tấn nấm tươi cao cấp từ việc tận dụng các loại phế liệu như rơm, rạ, mùn cưa, bông… Qua đó, đạt lợi nhuận 250 triệu đồng/năm. Hiện nay, trại nấm của Nguyễn Văn Quý có 10 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ, chủ yếu là thanh niên địa phương với mức lương trung bình hơn ba triệu đồng/tháng.
Trồng nấm sạch là một nghề sản xuất, kinh doanh mới, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm do đốt rơm, rạ. Mặt khác, trồng nấm giúp cải tạo đất từ nguồn phân bón hữu cơ sau khi trồng và nâng cao hiệu quả sử dụng phế liệu, phụ liệu công nghiệp, nông nghiệp. Sản phẩm nấm sạch bảo đảm an toàn thực phẩm cho nên đầu ra ổn định, ít bị cạnh tranh. Nguyễn Văn Quý cho biết: Việc trồng nấm sạch vừa giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập lại giúp bảo vệ môi trường. Một người tận dụng thời gian rảnh rỗi để trồng nấm, có thể cho thu nhập hơn ba triệu đồng/tháng. Đây là ưu điểm mà chưa có mấy ngành nghề làm được.
Nguyễn Văn Quý cũng giúp đỡ hướng dẫn nhiều hộ gia đình khác cùng tham gia trồng nấm. Những người được Quý hướng dẫn kỹ thuật lại phổ biến, nhân rộng cho những người khác cùng làm. Nhiều gia đình trong số đó từ hộ nghèo đã vươn lên làm giàu, qua đó tiếp tục tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên trong xã. Không dừng lại với những gì đã có, Nguyễn Văn Quý cho biết, trong thời gian tới anh sẽ thành lập hợp tác xã, mở rộng sản xuất, tìm thị trường xuất khẩu và tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập; giúp thanh niên địa phương làm giàu từ nghề trồng nấm.
Ngoài sản xuất, kinh doanh giỏi, Nguyễn Văn Quý còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, hội và các hoạt động xã hội khác tại địa phương. Anh vừa vinh dự được Huyện đoàn Tân Yên tuyên dương là tấm gương tiêu biểu thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Tân Yên chung tay xây dựng nông thôn mới”. Và một tin vui nữa đến với Nguyễn Văn Quý khi anh được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quyết định trao tặng Giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” đúng vào ngày Kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống của Hội LHTN Việt Nam 15-10-2012.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()