Làm giàu từ mô hình trồng bưởi
Ông Phan Tiến Dũng chăm sóc vườn bưởi
– Với sự cần cù, chăm chỉ, ông Phan Tiến Dũng, sinh năm 1971, thôn Quán Bầu – Đồng Ngầu, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng được nhiều người biết đến là người làm kinh tế giỏi với mô hình trồng bưởi cho thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm.
Chúng tôi vào tham quan mô hình bưởi của gia đình ông Phan Tiến Dũng vào một ngày giữa tháng 11/2021, thời điểm này, vườn bưởi chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, quả ngả màu vàng óng, sai trĩu trịt. Ông Dũng chia sẻ: Trước đây, trên diện tích trồng bưởi này, gia đình tôi đã trồng ngô, cây hồng Nhân hậu nhưng hiệu quả về mặt kinh tế rất thấp. Năm 2013, tôi đã tự tìm hiểu và xuống Hà Nội mua 200 gốc bưởi Diễn và bưởi da xanh về trồng.
Theo chu kỳ, sau 3 năm trồng cây bưởi sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm kỹ thuật, nên sản lượng 2 năm đầu kém, hầu như bị mất mùa. Không nản lòng, ông tiếp tục học hỏi qua các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức. Đồng thời, ông tìm tòi quy trình chăm sóc qua các sách báo, mạng internet và tự mình đúc rút kinh nghiệm từ thực tế để tăng năng suất, chất lượng quả.
Nhờ sự chịu khó, quyết tâm của ông, sau 5 năm, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, vườn bưởi phát triển tốt, ra hoa kết trái đều. Dần dần, ông tiếp tục mở rộng diện tích bưởi lên 3 ha. Hiện nay, mỗi cây bưởi cho thu khoảng 50 quả (tương đương 40 kg), bình quân một năm, vườn bưởi của gia đình ông thu hoạch trên 20 tấn quả, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng bưởi, ông Dũng cho biết: Chăm sóc cây bưởi cần đảm bảo đúng kỹ thuật. Đặc biệt, sau khi thu hoạch xong quả, cần phải dọn vườn, vãi vôi để phòng trừ các loài sâu bệnh, bón lót phân tổng hợp NPK và tưới đất để cây phục hồi, ra hoa sớm. Điểm quan trọng, để cây bưởi ra quả đều và sai, cần khoanh cành trước khi cây ra hoa, bước này giúp ức chế lượng nước từ gốc lên thân cây, giúp cây ra nhiều hoa và tỷ lệ đậu quả cao. Trong quá trình thâm canh, cây rất dễ nhiễm rầy, sâu đục thân, ruồi vàng, bệnh nấm cây,… do đó, tôi thường xuyên theo dõi để có biện pháp phòng trừ.
Nhờ áp dụng những kinh nghiệm trên đây, vườn bưởi của gia đình ông Dũng phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định. Từ hiệu quả mô hình trồng bưởi, gia đình ông có cuộc sống khá giả, nhà cửa khang trang. Không giữ thành công riêng cho mình, những năm qua, ông còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cho các hộ dân khác có nhu cầu. Ông Lăng Văn Chặt, thôn Quán Bầu – Đồng Ngầu, xã Chi Lăng cho biết: Gia đình tôi có 3 sào trồng bưởi Diễn, cho thu hoạch quả từ 3 năm trước nhưng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, sản lượng chỉ đạt khoảng 1.000 quả. Từ cuối năm 2020, được chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tận tình của ông Dũng về quy trình chăm bón, cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh, năm nay, sản lượng bưởi của gia đình tăng lên đáng kể, ước cũng thu được 4.000 quả.
Nhờ sự cần cù, chịu khó và đóng góp đó của ông, tháng 7/2021, ông Phan Tiến Dũng được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2021.
Ông Đoàn Tuấn Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chi Lăng nhận xét: Ông Phan Tiến Dũng không chỉ là hội viên tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của tổ chức hội tại thôn, xã mà còn là hội viên tiêu biểu, điểm sáng của xã tiên phong làm kinh tế giỏi với mô hình trồng bưởi cho thu nhập cao. Với mô hình này, gia đình ông còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho 3 đến 5 lao động ở thôn, xã, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Ý kiến ()