Làm giàu từ hoa hồng
(LSO) – Từ diện tích đất vườn không đem lại hiệu quả kinh tế, chị Phùng Thị Hằng, sinh năm 1988, thôn Háng Cáu, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình đã mạnh dạn đầu tư trồng hoa hồng và chế biến các sản phẩm từ hoa hồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2017, qua tìm hiểu về nhiều mô hình làm kinh tế giỏi trên báo, đài và mạng Internet, nhận thấy mô hình trồng hoa hồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, chị Hằng đã chuyển đổi 2 sào đất vườn sang trồng 2.000 gốc hồng, gồm những giống: hồng cổ Sapa, hồng Văn Khôi, hồng Bạch Cổ, hồng leo cổ Hải Phòng, hồng ngoại…
Ban đầu, chị không khỏi lo lắng về một số giống hồng có thể không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Lộc Bình nhưng rất may, phần lớn các loại hoa này đều có sức sống dẻo dai, chịu được thời tiết mưa nắng nên nhanh chóng thích nghi tốt với điều kiện sống mới. Bên cạnh đó, do cây được trồng ở địa hình cao nên khả năng bị sâu bệnh giảm 70% so với vùng đất thấp. Chính vì thế, việc chăm sóc cũng không quá vất vả, chỉ cần bón phân, tưới nước đầy đủ; thường xuyên tỉa bỏ các lá già, cành tăm hương để tán cây được thông thoáng và phun thuốc trừ sâu thảo dược tránh sâu bệnh hại…
Chị Phùng Thị Hằng thu hoạch hoa hồng
Hiện nay, từ diện tích trồng hoa hồng, hằng tháng, chị chiết cành để bán giống và sản xuất sản phẩm làm đẹp từ cánh hoa hồng. Theo chị Hằng, hoa hồng là giống cây trồng cho thu hoạch quanh năm, sau thời gian xuống giống khoảng 2 tháng là có thể thu hoạch. Trung bình mỗi tháng, chị xuất bán được gần 200 cây giống hoa hồng với giá 50 – 70 nghìn đồng/cây.
Trước thực tế hằng ngày, những bông hoa hồng trong vườn nở lung linh, rất đẹp nhưng chỉ sau 2 – 3 ngày, cánh hoa lại rụng đầy gốc, chị Hằng thấy tiếc và nghĩ cách tận dụng hoa để làm ra các sản phẩm để bán. Đầu năm 2018, chị mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng mua máy móc chế xuất các sản phẩm từ hoa hồng và đặt xưởng sản xuất ngay tại nhà. Các sản phẩm của chị Hằng sản xuất gồm: nước tẩy da chết và trà hoa hồng. Tùy thuộc vào thời tiết, trung bình mỗi ngày, chị thu được 5 kg bông/đợt. Nếu chế biến nước tẩy da chết thì được 7 lọ sản phẩm với giá 80 nghìn đồng/lọ, còn nếu làm trà sấy thì được 5 hộp với giá bán 100 nghìn đồng/hộp. Hiện nay, chị chủ yếu quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội và cung cấp tới những khách hàng nhỏ lẻ ở trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, với sự nhạy bén trong làm kinh tế, chị Hằng còn mua các loại hạt giống hoa về tự gieo cây bán cho khách như: hoa phong lữ, hoa dạ yến thảo, hoa đồng tiền, hoa ngũ sắc, hoa hải đường… Trung bình mỗi tháng, chị bán trên 500 cây với giá từ 10 – 30 nghìn đồng/cây.
Từ việc trồng hoa hồng, sản xuất các sản phẩm từ hoa hồng và gieo các loại giống hoa để bán, trung bình mỗi năm, chị Hằng có thu nhập trên 150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Trong thời gian tới, chị Hằng tiếp tục mở rộng thêm diện tích đất còn lại của gia đình để trồng cây hoa hồng và sản xuất sản phẩm làm đẹp. Đồng thời, phát triển hệ thống các đại lý phân phối sản phẩm phụ từ hoa hồng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước để mở rộng thị trường
Nhận xét về chị Hằng, ông Lương Văn Pảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình cho biết: Chị Phùng Thị Hằng là hội viên trẻ năng động, sáng tạo, chịu khó tìm tòi phát triển kinh tế cũng như tích cực tham gia các hoạt động hội. Mô hình trồng hoa hồng của chị đáng để các hội viên nông dân trong xã học tập và noi theo.
Ý kiến ()