Làm giàu từ dịch vụ tổng hợp
Cái nóng gay gắt không làm vơi đi tiếng cười của người lớn, trẻ nhỏ trong ngôi nhà khang trang mới được xây dựng theo lối kiến trúc rất đặc trưng của người dân Bắc Sơn. Trong ngôi nhà đó, chúng tôi bắt gặp nụ cười viên mãn của ông Đốm, bà Dung – những người đã dành quá nửa cuộc đời để tìm kiếm cơ hội làm giàu và đến nay, kinh tế gia đình đã khá giả. Khi có của ăn của để, ông bà vẫn là người chèo lái, chỉ đạo các con làm ăn, mở rộng sản xuất.
Ông Đốm giới thiệu dây chuyền sản xuất gạch bê tông cho đảng viên chi bộ thôn Nà Qué, xã Vũ Sơn |
Sinh năm 1967, xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, trên con đường tìm kiếm sự thành công, ông Đốm đã trải qua nhiều công việc như thịt lợn bán, làm dịch vụ xay xát, lái xe công nông… Năm 2006, nhận thấy nhu cầu xây dựng của người dân trong vùng tăng lên, ông bắt đầu tìm hiểu và chuyển sang nghề làm gạch. Khi đó, những viên gạch ba banh đóng thủ công chỉ có thể xây dựng các công trình phụ như nhà vệ sinh, tường rào, nhà kho… Việc sản xuất tuy không khó nhưng lợi nhuận thấp, mức tiêu thụ cũng hạn chế do độ bền không cao, không xây được công trình kiên cố. Vậy là ông lại cất công đi các huyện, thậm chí sang các tỉnh bạn, tìm đến những cơ sở sản xuất uy tín học hỏi kinh nghiệm, cách làm để cho ra những viên gạch có độ bền cao phục vụ người dân trong vùng.
Sau những lần đi học hỏi, ông mạnh dạn vay ngân hàng trên 10 triệu đồng cùng số vốn tích góp được đầu tư máy đánh gạch bê tông. Những mẻ gạch đầu tiên ra lò có chất lượng tốt, độ bền cao, hình thức đẹp đã được bà con đón nhận. Dần dần, gạch do cơ sở ông sản xuất đã được người dân trong xã tin dùng bởi chất lượng tốt, giá thành lại rẻ hơn các cơ sở khác từ 200 đến 400 đồng/viên, hơn nữa lại không mất nhiều công vận chuyển. Tiếng lành đồn xa, gạch của cơ sở ông sản xuất không chỉ phục vụ nhu cầu trong xã mà vươn ra các xã lân cận như Đồng Ý, Chiến Thắng, thị trấn Bắc Sơn, rồi sang cả Thái Nguyên. Hợp đồng ngày càng nhiều nên ông đã quyết định đầu tư thêm 2 máy đánh gạch loại mới và dây chuyền vận chuyển vật liệu từ bãi tập kết vào máy đánh, sân bãi… với tổng số tiền trên 100 triệu đồng. Nhờ mở rộng sản xuất, các thành viên trong gia đình đều có việc làm với mức thu nhập ổn định. Không chỉ có vậy, ông còn thuê thêm 6 lao động trong xã với tiền công 4,5 triệu đồng/tháng.
Thành công từ sản xuất gạch bê tông, ông lại mạnh dạn đầu tư thêm phông bạt, bàn ghế, bát đĩa phục vụ các gia đình có đám hiếu, hỉ trong vùng. Cùng với đó, gia đình ông còn tích cực trồng rừng với hơn 2.000 cây keo, đầu tư hơn 300 triệu đồng mua một xe ô tô 3,5 tấn để tiện cho việc cung ứng. Trừ các chi phí, mỗi năm gia đình ông Đốm có thu nhập trên 100 triệu đồng. Sự kiên trì tìm hướng phát triển kinh tế cũng như sự nỗ lực không ngừng của bản thân đã giúp ông Đốm từ một nông dân đã trở thành một ông chủ. Ông là tấm gương sáng về nỗ lực vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, xứng đáng để người dân trong thôn, trong xã học tập.
Ý kiến ()