Làm giàu trên vùng đất khó
Anh Hoàng Trọng Dũng ở thôn Sơn Hồng kiểm tra vườn mận lai táo. Sau nhiều năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ gia đình nông dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng các mô hình kinh tế đa dạng vươn lên làm giàu, nhiều hộ có mức thu nhập hàng trăm triệu đến một tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều mô hình phát triển còn manh mún, tự phát, sản phẩm chưa mang tính cạnh tranh cao...Khai thác lợi thếNằm ngay dưới chân núi Mẫu Sơn, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông thường bị bao phủ sương giá, băng tuyết, đồi núi khô cằn. Nhưng anh Hoàng Trọng Dũng, năm nay 46 tuổi ở thôn Sơn Hồng, Gia Cát, (Cao Lộc), không nao núng, không tự trói buộc với nghèo đói. Anh kể: Hơn 20 năm trước bà con ở đây rất nghèo, ruộng ít, nương thì nhiều nhưng trồng nhiều loại cây để lấy sản phẩm cũng không đủ ăn, vào những lúc nông nhàn chỉ biết vào rừng hái củi đem bán. Đến nay, thì khá hơn nhiều là nhờ bà con biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật...
Anh Hoàng Trọng Dũng ở thôn Sơn Hồng kiểm tra vườn mận lai táo. |
Khai thác lợi thế
Nằm ngay dưới chân núi Mẫu Sơn, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông thường bị bao phủ sương giá, băng tuyết, đồi núi khô cằn. Nhưng anh Hoàng Trọng Dũng, năm nay 46 tuổi ở thôn Sơn Hồng, Gia Cát, (Cao Lộc), không nao núng, không tự trói buộc với nghèo đói. Anh kể: Hơn 20 năm trước bà con ở đây rất nghèo, ruộng ít, nương thì nhiều nhưng trồng nhiều loại cây để lấy sản phẩm cũng không đủ ăn, vào những lúc nông nhàn chỉ biết vào rừng hái củi đem bán. Đến nay, thì khá hơn nhiều là nhờ bà con biết ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đem giống mới vào gieo trồng như: ngô lai, dưa hấu khoai tây… và kết hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong câu chuyện tìm đường thoát nghèo, Hoàng Trọng Dũng cho biết: Năm 1994, khi sang Trung Quốc trao đổi mua bán hàng hóa, cứ vào mùa xuân là những cánh rừng bên đất họ trắng xóa hoa mận, hoa đào. Hỏi ra mới biết có loại mận được người tiêu dùng rất ưa chuộng thậm chí được tư thương nhập về Việt Nam bán. Cây mận có nhiều tên gọi khác nhau, người thì bảo mận cơm, mận thép, mận lai táo chín sớm… Từ đó anh quyết định đem về trồng, rồi tự lai với cây táo bản địa cho phù hợp khí hậu… Cây mận rất dễ trồng chỉ sau ba năm đã cho quả và khả năng cho quả kéo dài hơn 20 năm… Hơn 10 năm, trong vườn nhà anh Dũng, lúc nào cũng có hơn 100 cây mận cho quả, mỗi cây trung bình cho 40 đến 50 kg quả/cây, năm nay bán đầu vụ được 30 nghìn đồng/kg, tính riêng một vụ mận chín sớm, trừ tất cả chi phí, gia đình thu ít nhất 30 triệu đồng. Ngoài cây mận trong vườn gia đình anh còn hơn 120 cây hồng không hạt, hằng năm thu hơn 60 triệu đồng; đó là chưa kể đến con cá, tôm và hơn 1,8 ha rừng hồi, 18 ha rừng thông. Có được nguồn vốn gia đình anh đầu tư mở rộng sản xuất, như trồng mới hơn 200 cây hoàng đàn và cây sưa, xây hơn 200 m2 bể nuôi ba ba, nuôi rắn; đầu tư xây dựng ba quầy hàng tại chợ trung tâm chợ Bản Ngà và mua nhà làm nơi giao dịch ở thị trấn huyện Cao Lộc, ước tính tài sản của gia đình anh nay lên đến hàng tỷ đồng.
Xã Vạn Linh (Chi Lăng), bao đời nay người dân nơi đây chỉ biết dựa vào cây ngô, cây lúa, nhưng rất bất bênh, vì hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, cho nên đời sống của người dân rất khó khăn. Từ năm 2004 gia đình anh Hoàng Xuân Bách, (dân tộc Tày) trú ở Phố Mới, xã Vạn Linh cũng thuộc diện hộ nghèo. Sau nhiều năm trăn trở suy nghĩ tìm lối thoát nghèo cuối cùng anh đã quyết định lựa chọn vào chính thế mạnh ở quê nhà, đó là: chăn nuôi gà lông vàng là đặc sản của địa phương, mỗi năm hàng nghìn con, mở trang trại nuôi lợn thịt; nuôi bò sinh sản và vỗ béo, trồng ngô với diện tích hơn một ha để phục vụ cho chăn nuôi… Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đến năm 2009, trừ chi phí gia đình anh Hoàng Xuân Bách đã có thu nhập hơn 142 triệu đồng/năm. Có nguồn vốn anh mạnh dạn mở đại lý giống lúa, ngô, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vật liệu xây dựng các loại, đầu tư mua hai xe ô-tô tải để vận chuyển hàng hóa… hàng năm trừ mọi chi phí lợi nhuận gia đình anh thu được hơn 500 triệu đồng/năm. Có cuộc sống ổn định mỗi năm anh tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hộ nông dân trong xã được cung ứng phân bón, giống lúa ngô ứng trước cho kịp thời vụ, không tính lãi và tạo việc làm cho 34 lao động; giúp đỡ 25 hộ gia đình trong thôn thoát nghèo. Nhờ những việc làm đó người dân ở vùng quê này đã gọi anh với cái tên trìu mến là: “tỷ phú chân đất”. Khác với mô hình anh Hoàng Xuân Bách, người dân ở thôn Bản Mạ, Bắc Xa, (Đình Lập) lại gọi ông Kỳ Dùng Phú (dân tộc Nùng) là “tỷ phú rừng xanh”. Năm nay, gần 70 tuổi, nhưng hằng ngày ông vẫn leo núi chăm sóc rừng, làm mương. Ông kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, nghe cán bộ xã kêu gọi mọi người đi trồng rừng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Rừng là vàng…”, thời đó rất đói khổ nhưng mình vẫn đi trồng rừng và đến giờ đã trở thành vàng thật rồi… Năm nào cũng vậy, khi mùa xuân đến ông cùng gia đình vận động bà con trong bản đi trồng rừng thông. Cây thông trồng sau hơn 15 năm mới cho nhựa, từ những cây thông mã vĩ đầu tiên, đến giờ diện tích rừng thông nhà ông có hơn 12 ha, nhiều cây thông đã trở thành cây cổ thụ. Từ năm 2008 đến nay, rừng thông của ông đã khai thác nhựa thông, gỗ. Hiện nay, trị giá một m3 gỗ thông trung bình là 1,5 triệu đồng/m3 gỗ, ước tính vườn rừng của ông Kỳ Dùng Phú, trị giá hơn 10 tỷ đồng (theo thời giá hiện nay). Năm 2009, ông tự nguyện hiến tặng 500 m3 (tính giá trị 700 triệu đồng) cho UBND xã, bán lấy kinh phí xây dựng trường học, xây nhà văn hóa…
Cần nhân rộng mô hình
Những năm qua, phong trào phát triển kính tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh có những bước chuyển rõ rệt. Theo con số thống kê của Hội Nông dân tỉnh, hiện Lạng Sơn có hơn 40 nghìn hộ nông dân làm kinh tế khá, giỏi, chiếm hơn 22% số hộ nông dân của tỉnh, có thu nhập hằng năm từ 100 triệu đồng trở lên, số hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng còn chiếm tỷ lệ rất ít. Các hộ nông dân làm kinh tế chủ yếu là mô hình kinh tế tổng hợp gồm: nông, lâm kết hợp, chăn nuôi, kinh doanh đa ngành nghề… Tuy xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, nhưng nhìn chung mô hình này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng. Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nông Quốc Long cho biết: Hiện tỉnh có 46 trang trại, theo đúng tiêu chí, nhưng làm ăn lại kém hiệu quả; giá trị sản lượng hàng hóa sản xuất ra còn thấp và không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa cao, còn bị động với thị trường. Còn lại phần lớn các mô hình kinh tế làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa có quy hoạch; ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật còn nhiều hạn chế… Thực tế cũng cho thấy nhiều nơi từ cấp ủy, chính quyền đến người dân còn thờ ơ phát triển kinh tế gia đình, tập quán canh tác lạc hậu vẫn còn nặng nề, nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại làm được chăng hay chớ. Những nguyên nhân đó đã phần nào kìm hãm ý thức tự lực, tự cường, nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Để khắc phục những khó khăn, khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, làm chuyển biến nhận thức của các hộ nông dân về xóa đói, giảm nghèo, chú trọng chỉ đạo xây dựng các mô hình. Cần khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các hộ gia đình, các thành phần kinh tế đầu tư, hoặc tham gia góp vốn đầu tư, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; chú trọng xây dựng mối liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư và nhà nông). Các ngành chức năng thường xuyên bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật, quản lý cho các chủ trang trại, chủ rừng, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người nông dân; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: giao thông, thủy lợi, chợ… để giúp người dân có cơ hội tiếp cận, định hướng sản xuất theo thị trường…
Theo Nhandan
Ý kiến ()