Con đường bám vào vách núi mà đi lên, đi lên mãi, lúc ém chặt vào rừng xanh, lúc lại òa vào lòng suối tung bọt trắng. Mùa mưa đến cách đây chừng nửa tháng, những thác nước mềm như dải lụa thỏa sức tung bay giữa những cánh rừng bạt ngàn mầu xanh trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Đó là hình ảnh trên con đường tới xã Hồ Thầu thuộc huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, xã ở cách trung tâm huyện 35 km, cách trung tâm tỉnh lỵ 110 km. Hồ Thầu là xã đặc biệt khó khăn của một trong những huyện nghèo nhất nước đã và đang có sự đổi thay.Những cô gái dân tộc Dao ở Hồ Thầu. Hồ Thầu, theo tiếng Dao nghĩa là nơi đầu nguồn, đầu nguồn của con sông Chảy dưới chân núi Chiêu Lầu Thi có độ cao 2.402m so với mực nước biển. Tôi đã có bốn cái Tết, bốn lần đón xuân ở Hồ Thầu cùng ông Triệu Đức Thanh, nguyên là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Hồ Thầu là quê hương ông, nơi có lễ hội 'xuống đồng' của đồng...
Con đường bám vào vách núi mà đi lên, đi lên mãi, lúc ém chặt vào rừng xanh, lúc lại òa vào lòng suối tung bọt trắng. Mùa mưa đến cách đây chừng nửa tháng, những thác nước mềm như dải lụa thỏa sức tung bay giữa những cánh rừng bạt ngàn mầu xanh trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Đó là hình ảnh trên con đường tới xã Hồ Thầu thuộc huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, xã ở cách trung tâm huyện 35 km, cách trung tâm tỉnh lỵ 110 km. Hồ Thầu là xã đặc biệt khó khăn của một trong những huyện nghèo nhất nước đã và đang có sự đổi thay.
Những cô gái dân tộc Dao ở Hồ Thầu.
Hồ Thầu, theo tiếng Dao nghĩa là nơi đầu nguồn, đầu nguồn của con sông Chảy dưới chân núi Chiêu Lầu Thi có độ cao 2.402m so với mực nước biển. Tôi đã có bốn cái Tết, bốn lần đón xuân ở Hồ Thầu cùng ông Triệu Đức Thanh, nguyên là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Hồ Thầu là quê hương ông, nơi có lễ hội 'xuống đồng' của đồng bào Dao đại bản được tổ chức sớm nhất tỉnh, thường tiến hành vào mồng 3 Tết. Đây là một lễ hội truyền thống lâu đời, với hội nhảy lửa, đẩy gậy và hát giao duyên, trồng cây, tra hạt, đón thần ruộng, thần rừng, thần sông, thần núi để cầu cho mưa thuận, gió hòa. Trở lại Hồ Thầu lần này, tôi lại đi cùng ông Triệu Đức Thanh. Ông bảo với tôi: 'Mình hết tuổi công tác rồi nhưng được cái vẫn khỏe, sáu mươi năm tuổi đâu phải đã già, ngồi nhà chơi không nó phí đi'. Nói xong ông cười, cái cười của một người Dao đại bản từng trải qua nhiều thời kỳ công tác, nghe mới sảng khoái.
Sau trận mưa đêm, mặt đường bóng loáng, 'cua' nối 'cua' ôm vào sườn núi. Ngồi trên xe nhìn sang hai bên rừng núi cũng phần nào nhận diện được sự thay đổi trong thời kỳ đã có cung cách làm ăn mới. Mầu xanh của những cánh rừng, lúa hè thu trên ruộng bậc thang, những đồi chè như mâm xôi xanh, hàng đàn trâu ung dung gặm cỏ, tiếng mõ reo vang… Ông Thanh hạ cửa kính xe, chỉ tay lên cánh rừng của thôn Hô Sán, bảo: 'Các anh nhìn xem, trên những bậc thang kia, thỉnh thoảng còn sót lại một vài cây chè, đấy là tàn dư của cung cách làm ăn cũ, nhưng dù sao cũng là sự khởi đầu một cung cách làm ăn mới. Ngày ấy, Phòng Nông nghiệp huyện còn gọi là Ủy ban Nông nghiệp huyện đã chỉ đạo đánh sườn đồi thành bậc thang để trồng chè. Bao nhiêu màu mỡ của đất theo nước về xuôi, bao nhiêu công sức, bao nhiêu tiền của đổ vào cây chè mà không mang lại hiệu quả'. Trên một đoạn đường khác, ông chỉ cho tôi xem nền đất còn lại của kho lương thực hồi chống thực dân Pháp của đồng bào hai huyện miền tây tỉnh Hà Giang. Ông kể: 'Đồng bào thồ gạo, thồ ngô ra đây, khi đêm xuống, tiếp tục gồng gánh sang Bắc Hà, Yên Bái, Lào Cai, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiếc nhà kho ba gian, làm bằng tre, nứa, cứ hết đầy lại vơi, rồi lại đầy. Thế mới hiểu hết lòng dân khi đồng lòng đi theo cách mạng, bà con ăn củ mài, ăn nõn đao, củ nâu,… dành ngô gạo nuôi quân, ủng hộ cách mạng'.
Suốt những năm chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, tiễu phỉ, trừ gian, đồng bào Hồ Thầu luôn là niềm kiêu hãnh của Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì. Hồ Thầu là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, với sáu đảng viên, để lãnh đạo phong trào cách mạng ở hai huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần trên đỉnh Tây Côn Lĩnh này. Hồ Thầu 'đi trước, về sau', qua nhiều thời kỳ khó khăn, trăn trở, triển khai mô hình điểm mà xã vẫn mãi nghèo. Có vào tận nơi 'mục sở thị' mới hiểu cái sự chậm phát triển của một vùng đầu nguồn đầy gian khó. Toàn xã không có một mảnh đất nào đủ rộng, đủ là mặt bằng để đặt một ngôi nhà ba gian, tất cả đều treo vào sườn núi. Nhà trong mây, rừng trong mây, ruộng vườn cũng đều trong mây. Sau cơn mưa, nhìn đàn trâu gặm cỏ, hay đàn bò vượt đồi, chỉ thấy những chấm đen, vàng, chứ chẳng thấy trâu đâu. Cũng do độ dốc mà bề ngang ruộng bậc thang ở đây chỉ vẻn vẹn bằng một đường bừa, mà độ cao bờ trên gấp hai, ba lần bề ngang ruộng. Khi cày bừa, con trâu phải tỳ cổ, cắm sừng vào bờ thửa ruộng trên để có 'năm chân' mà vượt lên, rồi trâu lại tỳ mũi xuống, choãng hai chân trước, xòe bộ móng ra làm 'phanh' để trườn xuống ruộng dưới, kéo theo cả người cầm cày đi phía sau nó. Cày bừa trên ruộng bậc thang quá nhỏ thì không thể tiến hành trên một thửa ruộng được, vì bề ngang không đủ rộng để quay cả trâu lẫn người. Thế là phải cày hoặc bừa, trên hai hoặc ba thửa ruộng cùng lúc, như vậy mỗi thửa chỉ đủ cho một nửa luống cày, hay một đường bừa.
Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu Triệu Chòi Phú, kéo tôi ra đầu nhà làm việc, chỉ tay lên bản Tồm Lang nằm giữa đại ngàn, nhìn mãi mới thấy một nóc nhà: 'Anh xem, núi thì ngút ngàn, rừng thì sâu thăm thẳm, nếu không giao đất, giao rừng và đổi mới kinh tế thì làm sao Hồ Thầu có được như ngày hôm nay. Nếu bảo trước đây dân nghèo vì không chịu làm thì oan, bảo Đảng bộ chưa tìm ra được phương thuốc đúng thì cũng không phải. Nhiều nghị quyết chuyên đề, nhiều quyết sách cơ bản, nhiều mô hình kinh tế. Trồng cây ba năm rồi chặt, nuôi gà siêu trứng, nuôi ngan Pháp cũng phải loại bỏ. Nhiều cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tranh luận, bàn cãi, đã có đồng chí bị kỷ luật. Những chương trình được đặt trên bàn Bí thư, Chủ tịch, lật lên, lật xuống mãi. Nhưng điều quan trọng vẫn là sự hỗ trợ đúng hướng, phát triển kinh tế hộ bền chặt, phát huy thế mạnh sẵn có'.
Hiện, toàn xã Hồ Thầu có 360 hộ, tám thôn bản, với 2.000 khẩu và hơn 80% dân số là bà con người dân tộc Dao. Trước năm 1986, Hồ Thầu như kiệt sức, và gần 90% số hộ gia đình trong xã đã phải cứu đói từ ba đến năm tháng/năm, trong đó có hàng trăm hộ bị đứt bữa. Rừng bị tàn phá làm nương rẫy, người dân hằng ngày phải vào rừng đào củ mài, bóc nõn đao, hái nấm, hái rau. Tới những ngày của công cuộc đổi mới, Hồ Thầu mới thật sự chuyển mình với chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn miền núi.
Hiện nay, Hồ Thầu đang trong thời kỳ sung sức của kinh tế nông nghiệp, với 300 ha chè đang cho thu hái, hơn 150 ha chè hơn 30 tuổi. Những đồi chè được trồng, chăm bón, đốn và thu hái theo thế núi, đang vào mùa thu hoạch. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Triệu Mùi Viện cười, đôi mắt lúng liếng, chị bảo: 'Bây giờ khác rồi, xã có hơn 300 hội viên hội phụ nữ, không còn nhà nào đói, chỉ còn gần 20% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Giàu thì cũng có vài chục hộ gia đình, còn lại phần lớn là trung bình và khá giả, được hưởng nhiều chương trình, hỗ trợ của Nhà nước'. Đúng vậy, chị em ở Hồ Thầu đều có mô hình kinh tế đa thu nhập và bền vững. Như gia đình chị Triệu Mùi Nghính ở thôn Chiến Thắng, mỗi năm thu nhập 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng từ đàn trâu, đàn lợn nái, lợn thịt, rồi vườn rừng, đồi chè, đậu tương vụ thu, rau vụ đông, cái gì cũng ra tiền cả. Gia đình chị Triệu Mùi Pan ở thôn Quang Vinh, có xưởng chè nhỏ, có đàn bò sinh sản, có nhiều lợn, nhiều gà và đồi chè, mức thu nhập hằng năm dễ đến hàng trăm triệu đồng. Khu chợ trung tâm của xã, mỗi tháng họp hai lần, vào mồng 1 và ngày 15 (âm lịch) nhưng ngày nào cũng có thể bán được và mua gì có nấy. Vào dịp thu hoạch thảo quả, đường thôn, đường xã vui như trảy hội. Chị Triệu Mùi Viện cười rồi nói tiếp: 'Năm vừa rồi gia đình mình được huyện công nhận là Gia đình hiếu học, vì nhà có bốn người thì đều đi học, chồng mình học tại chức, mình học văn hóa theo chương trình hỗ trợ của huyện, hai đứa con đi học phổ thông'.
Anh Công, Giám đốc một doanh nghiệp chế biến chè ở ngay đầu xã cho tôi biết: 'Cây chè San tuyết ở Hồ Thầu này không phải nơi nào cũng có, nó sinh trưởng và cho búp ở độ cao hơn 1.000 m so mực nước biển, quanh năm nằm trong sương, trong mây, lại hoàn toàn không chăm sóc. Chè mang lại cho Hồ Thầu một đặc sản vô giá'. Từ niềm vui này sang niềm vui khác, tôi theo anh Phượng Chòi Chìu, Phó Bí thư Đảng ủy xã, vượt 10 cây số đường rừng vào thăm vùng thảo quả Tồm Lang. Cùng ở một xã, nhưng không phải chỗ nào cũng trồng được thảo quả, một giống cây chuyên nấp mình dưới tán rừng già, đòi hỏi độ ẩm cao, ánh sáng thấp và có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, rừng nguyên sinh, rừng trồng và rừng tái sinh của Hồ Thầu được bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Hồ Thầu hiện có hơn 160 ha thảo quả, trong đó hơn 80 ha đang cho thu hoạch và hết năm 2011, toàn xã phấn đấu đạt hơn 200 ha thảo quả. Thảo quả nhiều nhất là ở thôn Tồm Lang. Ở đây, có hộ đã bắt đầu được thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, như gia đình ông Phượng Quầy Phin, gia đình ông Phượng Chòi Chìu, mỗi nhà có hơn mười ha thảo quả dưới tán rừng.
Theo các mô hình kinh tế từ sự nghiệp đổi mới, tôi lên Tồm Lang, rồi về Bành Bang, xuống Hô Sán, Tân Phong… Cả xã Hồ Thầu đang nhộn nhịp trong mùa đón mưa, đón nước cho ruộng cấy lúa, đón nước cho ao cá giữa vụ lưng núi, đón nước cho mùa trồng thảo quả và cũng là dịp cày đất, cuốc nương, phát bờ chuẩn bị cho vụ đậu tương đông hoa tím. Cái mùi chè vào vụ đắng mà ngọt đặc quánh bay lên như xếp chặt vào không trung, như xếp chặt vào khứu giác và vị giác. Nhớ sáng nay, khi vừa mới bước xuống xe, ông Phượng Quầy Phin, nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, cũng là người con của Hồ Thầu, bóc quả thảo quả đưa cho tôi: 'Này, anh đã ngửi thấy mùi hương của đất rừng Tây Côn Lĩnh chưa?'. Vâng, thật tuyệt vời, tôi đã thấy dấu hiệu cho sự đổi đời của người dân vùng cao. Đất thế, người thế, Hồ Thầu – một vùng làng bản cheo leo trên vách núi, nay không còn nghèo đói nữa, mà còn có của ăn của để, có điện lưới quốc gia, nhà nào cũng đã có máy thu hình, có công cụ để sản xuất, có kiến thức để làm ăn. Cái được lớn nhất là 100% trẻ em trong độ tuổi được tới trường, có nhiều gia đình văn hóa, gia đình hiếu học. Đó là tương lai, là sự khẳng định cho sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()