Làm giàu rừng thứ sinh bằng lâm sản ngoài gỗ: Nhân đôi lợi ích
(LSO) – Bên cạnh những cây lấy gỗ, người trồng rừng trên địa bàn huyện Đình Lập có thể trồng xen các loại cây dược liệu, nguyên liệu làm đồ mỹ nghệ. Cách làm này vừa giúp làm giàu hệ sinh thái của rừng, đồng thời tăng thu trên cùng diện tích.
Toàn huyện Đình Lập có 22.296 ha rừng. Trên diện tích này, chủ yếu là rừng thứ sinh nghèo, hiệu quả kinh tế cũng như tác dụng bảo vệ môi trường thấp. Mặc dù rừng đã được giao khoán cho người dân bảo vệ nhưng thu nhập từ rừng chỉ khoảng 100.000 đồng/ha/năm, vì vậy, chất lượng rừng không tăng, thậm chí còn giảm đi. Trên 1 số diện tích người dân chủ yếu trồng thuần 1 loại cây như: thông, keo, bạch đàn, hồi, quế… chưa nghiên cứu kết hợp trồng nhiều loại.
Qua nghiên cứu tài liệu và khảo sát thực địa cho thấy, trên địa bàn huyện Đình Lập có các loại cây như: ba kích, sa nhân, mây… mọc tự nhiên đã được người dân trong vùng khai thác sử dụng từ rất lâu. Các loại cây này được thu mua để xuất khẩu, làm thuốc, đồ mỹ nghệ… Tuy nhiên, việc khai thác bừa bãi khiến chúng ngày càng cạn kiệt trong khi nhu cầu sử dụng lại tăng. Chính vì vậy, đưa những loại cây này vào trồng dưới tán rừng thứ sinh là hết sức cần thiết.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập hướng dẫn nông dân trồng cây ba kích
Từ năm 2012 – 2014, nhóm nghiên cứu do ông Vũ Văn Thịnh, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ nhiệm đã triển khai đề tài: “Xây dựng mô hình làm giàu rừng thứ sinh bằng các loại cây mây, ba kích, sa nhân tại huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn”.
Triển khai đề tài, nhóm đã tiến hành thu thập, tách cây con từ rừng tự nhiên. Với sa nhân và mây, sau khi tách có thể trồng ngay; với ba kích, sau khi tách phải giâm hom trước khi trồng. Triển khai trồng dưới tán rừng giữ lại những cây gỗ có giá trị kinh tế, loại bỏ cây tạp. Mật độ trồng 3 loại cây này là 1.000 gốc/ha, mỗi loại được trồng thí điểm trên diện tích 1 ha tại xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập.
Sau hơn 1 năm trồng, chăm sóc cho thấy: cây sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện. Sau 3 năm, cây đã cho thu hoạch với giá thu mua ba kích khoảng 1 triệu đồng/kg khô; sa nhân 200.000 đồng/kg; mây nước và quả mây khoảng 5.000 đồng/kg. Qua thử nghiệm cho thấy: các loại cây trên đều phù hợp trồng để làm giàu rừng thứ sinh, kỹ thuật trồng khá đơn giản. Riêng mây là cây ưa nước nên phù hợp trồng khu vực ven khe, suối, sông, khí hậu ẩm, mát.
Anh Hoàng Văn Phong, chủ mô hình thí điểm tại thôn bản Chạo, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập cho biết: Những năm gần đây, cây ba kích, sa nhân, mây được thu mua để làm dược liệu và nguyên liệu đan lát xuất khẩu nên giá thành tương đối cao. Tôi trồng xen các loại cây này dưới tán rừng thông của gia đình, đang tiếp tục mở rộng nhằm tăng thu nhập.
Sau thành công của mô hình thí điểm, từ xã Kiên Mộc, các loại cây này đã được người dân trên địa bàn huyện Đình Lập nhân rộng. Đến nay, toàn huyện Đình lập có 126 ha mây, sa nhân, ba kích tại các xã: Bắc Xa, Kiên Mộc, Cường Lợi, Đồng Thắng, Lâm Ca. Nhờ đó, thu nhập của các hộ trồng rừng tăng.
Làm giàu rừng thứ sinh bằng lâm sản ngoài gỗ như: mây, sa nhân, ba kích góp phần bảo tồn nguồn gen quý của địa phương. Việc trồng các cây có giá trị kinh tế cao giúp tạo việc làm tại chỗ cho người dân, tăng thu nhập, tăng khả năng bảo vệ môi trường của rừng.
Ý kiến ()