Thứ 2, 25/11/2024 06:46 [(GMT +7)]
Làm giàu nhờ biết ứng dụng KHKT
Thứ 3, 28/09/2010 | 07:59:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, những năm qua nhiều chị em phụ nữ đã nỗ lực vươn lên từ nghèo khó trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Trong đó có chị Nguyễn Thị Tuyên, hội viên phụ nữ Khu 2, thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập. Nhờ cần cù lao động sáng tạo và biết ứng dụng KHKT vào thực tế đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, thu nhập hàng năm đạt trên 180 triệu đồng từ mô hình kinh tế đồi rừng.
Dựa vào lợi thế đất đai khí hậu của địa phương, năm 1997 chị Tuyên đã mạnh dạn bàn bạc cùng gia đình nhận và khai hoang phục hóa diện tích đất đồi tại km số 15 thuộc thị trấn Nông trường Thái Bình để trồng chè và cây ăn quả. Bước đầu chị cải tạo 3 ha trồng vải thiều, nhãn Hương chi, bưởi Diễm, cam Vinh…Bên cạnh đó chị chuyển dần việc thâm canh cây chè xanh truyền thống sang trồng cây chè giống mới có năng suất chất lượng cao như chè xanh Bát Tiên, Ô Long, Ngọc Thúy… Cùng với đó, thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, gia đình chị đã nhận và tổ chức trồng các loại cây dài ngày như thông mã vĩ, keo lai trên diện tích 12 ha. Kết hợp trồng rừng với phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, để có nguồn nước tưới cho cây chị còn đào ao thả cá, nuôi gà thả vườn nhằm cung cấp nguồn thực phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Chị cho biết: Việc trồng trọt phụ thuộc nhiều đến các yếu tố về thời tiết và sâu bệnh, vì vậy muốn nâng cao năng suất cây trồng thì khâu thâm canh phải chú trọng đối với từng loại cây để có chế độ chăm sóc riêng theo đúng quy trình kỹ thuật. Chẳng hạn đối với cây chè, vào cuối vụ thu hoạch sau khi đốn cây phải rạch hàng, bón phân và tỉa búp… Để có được những kiến thức cơ bản trong thâm canh cây trồng, chị Tuyên đã tham gia rất nhiều lớp tập huấn kiến thức KHKTvề nông-lâm nghiệp do Hội phụ nữ và ngành chức năng tổ chức. Nhờ biết ứng dụng KHKT vào thực tiễn mà gia đình chị đã khai hoang phục hóa thành công và tạo dựng được một mô hinh kinh tế trang trại tổng hợp, bao gồm trồng chè truyền thống và các loại chè có chất lượng cao; kết hợp trồng cây ăn quả, cây công nghệp và chăn nuôi. Về rừng đã trồng được trên 10 nghìn cây thông mã vĩ đang phát triển tốt và khoảng 2 nghìn cây đã bắt đầu cho khai thác nhựa. Đi đôi với sản xuất, gia đình chị Tuyên còn đầu tư máy móc thiết bị để chế biến chè thành phẩm như máy phát điện, máy sấy, máy vò chè và máy đóng gói sản phẩm để mở rộng quy mô sản xuất – kinh doanh, tạo việc làm cho từ 3 – 4 lao động theo thời vụ, với thu nhập 1,3 triệu đồng/người/tháng. Từ mô hình kinh tế trang trại, tổng thu nhập hằng năm của gia đình chị Tuyên đạt trên 180 triệu đồng; trong đó riêng sản xuất và chế biến chè đạt trên 110 triệu đồng.
Bên cạnh việc tích cực sản xuất – kinh doanh, chị Tuyên luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ của người công dân, của hội viên phụ nữ, tích cực học tập và tham gia các hoạt động hội, đi đầu trong việc đóng góp xây dựng các quỹ nhân đạo, từ thiện do các ngành, các cấp và địa phương phát động. Với những nỗ lực trên, chị Nguyễn Thị Tuyên vinh dự được đại diện cho chị em phụ nữ huyện Đình Lập tham dự hội nghị các hộ sản xuất – kinh doanh giỏi khu vực nông nghiệp nông thôn của tỉnh năm 2010.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()