Làm gì khi trẻ “ngại” trở lại trường sau Tết?
Cha mẹ đi làm, con vẫn vui Tết
Theo lịch nghỉ Tết, ngày 10/2 (tức 11 tháng Giêng), học sinh (HS) ở TPHCM sẽ quay lại trường sau kỳ nghỉ kéo dài đến 16 ngày. Trong thời gian nghỉ Tết, nề nếp sinh hoạt của các em bị xáo trộn, ít nhiều gây khó khăn cho việc quay lại trường.
Chị Trần Thị Thắng, nhà ngụ ở đường Cao Thắng (Q.3, TPHCM) cho biết cô con gái học cấp 3 đi du lịch với nhóm bạn chưa về. Cậu con trai học lớp 8, đêm nào đi chơi với bạn chán chê lại ôm máy tính đến 1 – 2 giờ sáng. Chiều chị đi làm về, vẫn thấy cháu đang vùi đầu ngủ.
“Cả Tết hai đứa không động đến sách vở, sinh hoạt thức ngày chơi đêm. Năm nào ra Tết chúng cũng mệt mỏi, phải mất khá nhiều thời gian mới ổn định lại được”, chị Thắng bộc bạch.
Nhắc đến việc chuẩn bị đi học, cháu Nguyễn Hồng Anh, con anh Hồng, chị Thảo, ngụ ở Q. Tân Bình lại thở dài chán nản. Bố mẹ đã trở lại công việc nhưng với cháu vẫn chưa dứt không khí Tết.
Cháu với nhóm bạn trong khu phố tụ tập chơi đủ trò, về nhà lại bật máy chơi điện tử, nhất quyết không động đến sách vở. Bố mẹ nhắc đến chuyện học bài là cháu nhăn nhó, cáu cẳn bảo cô không giao bài tập thì không cần phải học trước.
Chị Thảo than: “Giá như giáo viên giao bài tập Tết thì cháu còn chịu học bài chứ bố mẹ không biết đường nào để nhắc, nhắc con cũng không theo. Tôi lo đến ngày đi học cháu dậy không nổi, đến lớp cũng lơ mơ thì học hành sao được”.
Bên cạnh nỗi lo con vẫn ham vui Tết, thực tế không ít gia đình về quê, đi du lịch chờ sát ngày con đến trường mới quay lại thành phố. Sau đợt vui chơi dài hay sau đợt di chuyển nhiều, các em chưa phục hồi sức khỏe, tinh thần quay lại lớp càng uể oải hơn. Bởi thế, năm nào những ngày sau Tết cũng có tình trạng lớp học vắng HS, nhiều em chưa quay lại trường.
Chuẩn bị tâm thế đến trường cho trẻ
Nhiều năm nay, ngành giáo dục áp dụng chủ trương giảm thời gian nghỉ hè, tăng thời gian nghỉ tết cho HS, giáo viên. Kỳ nghỉ tết kéo dài nên việc chuẩn bị tâm thế để các em quay lại trường học là rất cần thiết. Phụ huynh cần tránh tình trạng để con chơi thả phanh, đến sát ngày đi học lại hối thúc hối tháo mà cần có kế hoạch giúp trẻ chuyển từng bước từ vui chơi sang nề nếp.
Bé Hai, HS lớp 5 Trường tiểu học Hà Huy Tập, Q. Bình Thạnh cho biết, trước khi nghỉ, cô giáo giao 3 bài tập. Cô dặn, trong thời gian Tết không phải làm bài mà chỉ cần làm trước 3 ngày quay lại trường. Bài không lấy điểm nhưng cô sẽ kiểm tra HS nào làm hay không.
Nhờ lời dặn của cô, lại được bố mẹ nhắc nhở, sau mùng 7 Tết, bé Hai đã ngồi vào bàn học xem lại sách vở và làm bài tập.
Để các em sớm bắt nhịp lớp học sau Tết, theo ông Phương, khi bố quay lại đi làm nên sắp xếp lịch sinh hoạt hàng ngày của gia đình giúp trẻ “giãn” dần các hoạt động vui chơi. Thức trẻ dậy theo giờ đi học và yêu cầu con ngủ sớm.
Trước vài hôm trẻ trở lại trường nên khuyến khích con ngồi vào bàn học 20 – 30 phút, xem lại bài vở, nên bắt đầu từ những bài học các em yêu thích để trẻ hứng thú.
Đối với những gia đình về quê hay đi du lịch nên trở về trước ngày con nhập học ít nhất hai hôm để hồi phục lại sức khỏe và chuẩn bị tâm thế quay lại trường học cho con.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay ngành không có chủ trương giao bài tập cho HS dịp Tết. Trước ngày con đi học, gia đình nên có sự chuẩn bị về tâm lý, khích lệ con quan tâm đến bài vở để tránh sự chán nản, uể oải, muốn ăn Tết dài.
Nhưng bố mẹ không phải căng thẳng mà nên động viên, khích lệ con. Bởi những ngày đầu năm, giáo viên cũng sẽ áp dụng nhiều phương pháp, có nhiều hoạt động giúp các em từ từ bắt nhịp với việc học.
Đối với trẻ lớn hơn, phụ huynh nhẹ nhàng trao đổi việc học học sắp tới cũng như nhắc con về các mục tiêu từ đầu năm học đặt ra để con chủ động sắp xếp lịch học, không để ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Ý kiến ()