Làm gì để kéo giảm?
LSO-Trong 5 năm (2011-2015) toàn tỉnh có 4.098 trẻ được sinh ra là con thứ 3 trở lên. Từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên luôn ở mức 6,7% và đang có xu hướng gia tăng.
Cán bộ y tế xã Lợi Bác (Lộc Bình) cấp thuốc và hướng dẫn phụ nữ điều trị các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản |
Bắt đầu từ nhận thức
Đã có thời gian do hiểu sai nội dung tinh thần của Điều 10, Pháp lệnh Dân số năm 2003, cho rằng “mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh” là được sinh đẻ thoải mái. Vì vậy, giai đoạn 2004-2008, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên luôn ở mức trên dưới 10%. Khi có Pháp lệnh số 08/2008, Sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh năm 2003 và Quyết định số 21/2008, ngày 29/8/2008 của UBND tỉnh quy định một số chính sách dân số/KHHGĐ áp dụng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thì tình trạng sinh con thứ 3 trở lên có giảm. Tuy vậy, tư tưởng sinh con thứ 3 vẫn âm thầm lan tỏa trong các hộ gia đình tại các khu dân cư và bùng phát bất cứ lúc nào.
Lấy ví dụ 2 cán bộ nhà trường của xã Khuất Xá và Quan Bản ở Lộc Bình phải kiểm điểm về việc sinh con thứ 3, ông Lương Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Dân số/KHHGĐ huyện Lộc Bình cho biết: từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Lộc Bình luôn ở ngưỡng từ 8,7-9,5% không chỉ là nhận thức yếu kém của người dân, mà còn một bộ phận đáng kể cán bộ, trong đó có cả đảng viên. Mặc dù có kiểm điểm, có hình thức xử lý theo Quyết định số 21 của UBND tỉnh, song “chế tài” vẫn chưa đủ mạnh, chưa “thắng” được nhiều áp lực của gia đình, dòng họ và tư tưởng của chính bản thân các cán bộ, công chức, viên chức và của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Dao, Mông.
Là một huyện nghèo, song Đình Lập là địa phương có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao nhất toàn tỉnh, nếu năm 2011 là 8,29% thì năm 2014 là 16,92% và năm 2015 là 15,1%. Tỷ lệ cao tập trung ở các xã có đông đồng bào người Dao như: Châu Sơn, Bắc Lãng…
Một nguyên nhân khác, như ông Triệu Cao Tấn, Phó Trưởng ban chỉ đạo công tác Dân số/KHHGĐ tỉnh phân tích là do những năm 2011-2015 là những năm “đẹp” theo quan niệm dân gian (Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi) để sinh con trai. Quan niệm ấy cũng kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là áp lực quá tải đối với các trường mầm non.
Cần tuyên truyền đều, tư vấn sâu
Trong câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thị Thao, Cộng tác viên (CTV) dân số khối Trần Thánh Tông, phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) kể: Vợ chồng anh Trần Văn San và chị Nguyễn Thị Hậu có 2 con gái, điều kiện kinh tế còn khó khăn; áp lực từ 2 bên nội, ngoại khiến anh chị quyết tâm sinh thêm con thứ 3. Biết được tâm tư nguyện vọng này, cán bộ dân số kết hợp với các đoàn thể trong khối đã nhiều lần đến giải thích, tư vấn nên anh chị đã từ bỏ ý định đó. Hiện nay đời sống của gia đình anh chị đã khá hơn, 2 con gái được học hành. Chính việc làm của các CTV như chị Thao đã góp phần “kéo giảm” tỷ lệ sinh con thứ 3 ở thành phố từ 3% năm 2013 xuống còn 1,9% năm 2015.
Chị Lưu Thị Thủy, CTV dân số thôn Làng Vàng, xã Vân An (Chi Lăng) luôn nắm chắc điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ gia đình, biết lựa cách vận động, nên toàn thôn của chị với 39 hộ trong 14 năm liền không sinh con thứ 3 trở lên; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai ( BPTT) hiện đại duy trì ở mức 80%.
Ở cấp xã, phường, thị trấn, cán bộ chuyên trách dân số cần làm tốt công tác giao ban, chịu khó đi cơ sở để nắm các cặp vợ chồng có “nguy cơ” sinh con thứ 3, đề xuất với trạm y tế, chính quyền, tham mưu với các đoàn thể, nhất là hội người cao tuổi phối hợp vận động, tạo “áp lực xã hội” đối với những đối tượng này, để họ không có tư tưởng sinh con thứ 3. Các xã như: Tân Tác (Văn Lãng), Chí Minh (Tràng Định) là những địa phương tiêu biểu.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thị Thêm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh cho rằng: hạn chế, tiến tới “kéo giảm” tình trạng sinh con thứ 3 là một công việc khó khăn, phức tạp không những đòi hỏi chế tài xử lý đủ mạnh mà còn nâng cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong việc nắm tâm tư nguyện vọng người dân để giải thích tuyên truyền. Vai trò của thủ trưởng cơ quan, chi bộ đảng, công đoàn trong việc sâu sát cán bộ, công chức, viên chức để nắm tư tưởng, giám sát hành động mỗi cá nhân để họ nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; không nên để sự việc xảy ra rồi xử lý.
TRẦN KIM
Ý kiến ()