Lạm dụng thuốc kích thích nhựa thông: Lợi bất cập hại
(LSO) – Hiện nay, do giá nhựa thông xuống thấp nên nhiều hộ khai thác nhựa thông trên địa bàn huyện Lộc Bình đã mua một số loại thuốc kích thích không rõ nguồn gốc về xịt vào vết cạo để cây thông ra nhiều nhựa. Việc làm này có thể dẫn đến những hệ luỵ khôn lường.
Chạy theo lợi nhuận trước mắt
Năm 2019, giá nhựa thông giảm mạnh chỉ còn 22 nghìn đồng/kg (giảm 15 nghìn đồng so với năm 2018). Giá nhựa thông giảm khiến thu nhập của người trồng thông cũng giảm theo. Vì thế, để tăng thu nhập, một số hộ đã mua thuốc kích thích không rõ nguồn gốc về bôi, xịt lên vết cạo của cây thông nhằm kích thích cho cây thông ra nhiều nhựa.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết một số người dân giáp biên sang chợ bên Trung Quốc mua các loại thuốc kích thích nhựa về dùng, hoặc bán lại cho những ai có nhu cầu. Các chủ rừng chỉ cần bỏ ra hơn 100 nghìn đồng là có thể mua được một lọ thuốc 500 ml dạng lỏng giống như nước, đem về pha loãng với 5 l nước là có thể bôi, xịt cho 3.000 – 4.000 cây thông.
Khai thác nhựa hợp lý, cây thông mới cho hiệu quả kinh tế cao
Việc lạm dụng này xuất phát từ người trồng thông muốn tăng thu nhập. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng cũng chỉ dựa theo hướng dẫn của những người sử dụng trước đó mà không tham khảo các tài liệu của các cơ quan hữu quan. Anh Vy Văn Lân, đang khai thác hơn 2 ha cây thông tại xã Yên Khoái cho biết: “Tôi thấy nhiều người bôi thuốc lên vết cạo của cây thông cho ra nhựa nhiều nên bắt chước, hỏi họ mua loại thuốc ở đâu rồi nhờ chỉ cách làm theo chứ tôi cũng chưa bao giờ đọc sách vở nào cả”. Theo nhiều người trồng thông cho biết: Bôi thuốc kích thích có thể làm cho sản lượng nhựa tăng lên 30 – 40%.
Coi chừng hại lâu dài
Việc sử dụng thuốc kích thích nhựa cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá nhựa thông giảm, bà Lê Thị Dung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Tân (công ty chuyên sơ chế nhựa thông) cho biết: Công ty không muốn thu mua nhựa thông có dùng chất kích thích. Vì nếu nhựa được khai thác tự nhiên, 1 kg sẽ nấu được khoảng 0,7 kg Colophan, còn nếu sử dụng thuốc kích thích khi nấu ra 1 kg nhựa thông chỉ thu được khoảng 0,4 kg Colophan. Nếu công ty phát hiện người dân dùng chất kích thích nhựa nhiều quá sẽ điều chỉnh giá nhựa giảm xuống.
Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Nếu người dân lạm dụng thuốc kích thích trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả xấu cho cây thông như: giảm sản lượng nhựa, cây khô miệng cạo, khô nhựa, chu kỳ khai thác rút ngắn lại, ảnh hưởng đến sức đề kháng của cây dẫn đến nhiễm bệnh, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ và năng suất rừng cây.
Bà Chu Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Bình cho biết: Thuốc kích thích nhựa cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật khác, nếu sử dụng không cẩn thận có thể tác động không tốt đến sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, ngoài việc hạn chế sử dụng thuốc, người dân cần chú ý trang bị bảo hộ sức khỏe để không gây ảnh hưởng cho sức khỏe bản thân.
Lâu nay, việc sử dụng thuốc cũng như thực hiện cạo nhựa thông của nông dân chưa đúng là do chưa được hướng dẫn kỹ các phương pháp khai thác cũng như chăm sóc rừng cây. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng cần thường xuyên mở các lớp tập huấn cho người trồng thông. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ, tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tùy tiện mua các loại thuốc kích thích nhựa không rõ nguồn gốc về sử dụng.
Để đầu tư trồng 1 ha cây thông tới khi được khai thác nhựa phải mất từ 15 – 20 năm. Vì vậy, việc sử dụng thuốc kích thích nhựa thông không đúng quy cách có thể mang lại cái lợi trước mắt, nhưng về lâu dài rõ ràng sẽ gây ra những tác hại khôn lường.
Ý kiến ()