Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật: Lợi bất cập hại
(LSO) – Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cho các loại cây trồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng, sử dụng thuốc không đúng chỉ dẫn gây nên những tác động tiêu cực đến phòng trừ sâu bệnh cũng như sức khỏe con người…
Qua khảo sát của phóng viên tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, tình trạng nông dân sử dụng thuốc BVTV quá liều lượng, không đúng hướng dẫn để phòng trừ, điều trị các loại sâu bệnh trên cây trồng diễn ra phổ biến.
Ông Triệu Văn Thiện, thôn Nà Mần, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng cho biết: Trên cây ớt thường xuất hiện nấm, sâu cuốn lá, héo rũ, thối nhũn, đốm lá… nên chúng tôi phải sử dụng thuốc BVTV để diệt trừ. Như năm nay, sâu bệnh xuất hiện 3 – 4 lần, tôi phun tăng liều nhưng không hết được. Vụ nào cũng phun, vụ sau nhiều hơn vụ trước nhưng sâu bệnh vẫn nhiều.
Nông dân huyện Cao Lộc pha chế thuốc bảo vệ thực vật phun trừ sâu trên cây lúa
Còn ông Đỗ Văn Đại, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng cho biết: Năm nay, trên cây ngô xuất hiện sâu keo mùa thu hại ngô, gia đình tôi đã mua thuốc về phun. Nhưng do diện tích trồng ngô lớn, để tiết kiệm thời gian phun cũng như số lần phun nên tôi thường pha chế thuốc liều lượng cao hơn so với chỉ dẫn nhằm tiêu diệt sâu bệnh hiệu quả hơn.
Trên mỗi bao bì thuốc BVTV đều ghi rất rõ hướng dẫn sử dụng, liều lượng, cách pha chế để người dân dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện đúng theo chỉ dẫn ghi trên bao bì. Để tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, thay vì pha chế theo tỷ lệ quy định, nhiều nông dân tăng thêm liều lượng, thậm chí gấp đôi, gấp 3 với hy vọng sẽ tiêu diệt hoàn toàn sâu bệnh. Mặt khác, việc chấp hành thời gian phun thuốc cũng không được tuân thủ, bà con cần phun nhắc lại, tuy nhiên theo “kinh nghiệm” của một số bà con, họ tăng gấp đôi lượng thuốc và chỉ phun một lần duy nhất. Thay vì dùng chổi quét qua lá lúa nhằm giúp thuốc lưu lại lâu và tốt hơn, giảm lượng thuốc BVTV phải dùng thì nhiều nông dân lại bỏ qua khâu này và tăng thêm lượng thuốc.
Để phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng không chỉ có thuốc BVTV mà nông dân có thể sử dụng nhiều phương pháp phòng trừ khác như: rải ni lông dưới gốc, vụ trước xuất hiện sâu bệnh thì vụ sau chuyển sang trồng cây khác; sử dụng các chế phẩm sinh học, đèn thu hút côn trùng; bẫy bả, trồng xen các loại cây có tác dụng xua đuổi hoặc thu hút côn trùng…
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường, mỗi năm, toàn tỉnh thải ra khoảng 15 tấn bao bì thuốc BVTV. Điều này cho thấy, lượng thuốc BVTV được nông dân sử dụng là không nhỏ. Bên cạnh những hộ dùng đúng, dùng đủ thì nhiều hộ không tuân thủ gây nên tình trạng nhờn thuốc phổ biến. Cụ thể như: bệnh rầy nâu, đạo ôn trên lúa; sâu keo mùa thu trên cây ngô; bệnh thán thư trên cây hồng; bệnh héo rũ, thối quả trên cây ớt, sâu rau…
Việc lạm dụng thuốc BVTV cùng thói quen vứt bao bì bừa bãi trên ruộng đồng, khe suối, kênh mương không được thu gom, xử lý khiến cho các chất hóa học hòa lẫn vào đất, nước ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người.
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường phối hợp với đội ngũ khuyến nông cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn bà con tuân thủ các hướng dẫn khi sử dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên, người nông dân vẫn còn sử dụng quá liều lượng hoặc không phun nhắc lại. Sử dụng thuốc BVTV quá liều lượng để phun phòng trừ sâu bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chi phí sản xuất cao, chất lượng nông sản không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường và sâu bệnh sẽ kháng thuốc. Để khắc phục tình trạng sâu bệnh kháng thuốc, người dân cần theo dõi quá trình phát triển của sâu bệnh để chọn thời điểm thích hợp sử dụng thuốc BVTV, phải thay đổi loại thuốc để phun phòng trừ và phun nhắc lại.
HOÀNG VƯƠNG – ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()