Lạm dụng thảo mộc phòng bệnh: Lợi bất cập hại
(LSO) – Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona (Covid-19) gây ra, nhiều người đã sử dụng các loại thảo mộc sẵn có như: tỏi, sả, mật ong, bồ kết, gừng… để bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại thảo mộc sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn và gây nên tình trạng nhiễu loạn thị trường.
Từ nghe tin về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 gây nên, chị Nguyễn Thị Thanh, khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn đã tích trữ vài cân tỏi khô để phòng tăng sức đề kháng cho gia đình. Chị cho biết: Theo kinh nghiệm dân gian, tỏi trị cảm cúm rất tốt, chính vì vậy, nghe tin có dịch viêm đường hô hấp cấp, tôi mua hẳn vài cân vừa ngâm dấm, ngâm rượu, vừa làm gia vị trong các bữa ăn hằng ngày. Mong rằng việc tăng cường dùng tỏi sẽ tăng sức đề kháng cho cả nhà để hạn chế thấp nhất việc nhiễm bệnh.
Người dân thành phố Lạng Sơn mua gia vị tại chợ Giếng Vuông
Không riêng chị Thanh, hiện nay, nhiều gia đình đã và đang sử dụng nhiều loại thảo mộc nhằm mục đích phòng cúm, tăng cường miễn dịch và phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19. Các loại thảo mộc như: gừng, tỏi, sả… được sử dụng làm gia vị, kết hợp với các vị thuốc khác như: mật ong, cam, chanh, rượu, dấm thành bài thuốc dùng cho cả gia đình. Cùng đó, nhiều bà nội chợ còn tích trữ các loại hoa quả tươi chứa nhiều vitamin C như: cam, chanh, dưa hấu… ép lấy nước uống thay nước lọc.
Dạo một vòng quanh các chợ thực phẩm như: Giếng Vuông, Bờ Sông… trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, chúng tôi thấy không ít người dân ghé vào chợ tìm mua các loại thảo mộc thiên nhiên như: bồ kết, tỏi, sả,… để phục vụ gia đình. Anh Nguyễn Ngọc Hải, chủ cửa hàng đồ khô trong chợ Giếng Vuông cho biết: Thời gian gần đây, lượng khách hàng tìm đến mua các loại hàng khô bỗng tăng đột biến. Hầu hết mọi người đều tìm mua các loại gia vị có tính nóng như tỏi, gừng… để bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch khiến giá cả cũng tăng từ 20% đến 50% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Trao đổi về vấn đề sử dụng thảo mộc khi phòng, chữa bệnh, ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh cho biết: Trong thời điểm hiện tại, khí hậu mưa, lạnh khiến người dân dễ mắc các bệnh do nhiễm lạnh như việm đường hô hấp, cảm lạnh, vì vậy, dân gian thường sử dụng các vị thuốc có tính ấm, nóng như tỏi, gừng, sả, các loại thực phẩm giàu vitamin C… để phòng bệnh. Những vị thuốc này đã phát huy tác dụng rất tốt, tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều sẽ gây ra các tác dụng không mong muốn. Đặc biệt, chưa có nghiên cứu nào cho thấy các loại thảo mộc này có thể phòng bệnh viêm đường hô hấp câó do Covid-19 gây nên, do đó người dân không nên lạm dụng.
Theo nhiều nghiên cứu, tỏi, sả, gừng, cam, chanh, mật ong… đều có tác dụng rất tốt trong việc kháng khuẩn, nâng cao khả năng miễn dịch, giải cảm, giảm ho, tiêu đờm… Chính bởi các công dụng hữu ích như vậy nên từ xa xưa, dân gian ta đã sử dụng chúng để phòng và chữa bệnh. Nhiều gia đình cũng tạo cho mình thói quen dùng các loại gia vị ấm, nóng để nấu ăn hàng ngày hoặc giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là khi giao mùa hoặc thời tiết lạnh.
Tuy nhiên, việc lạm dụng một cách thái quá việc sử dụng các loại thảo mộc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đơn cử như việc sử dụng quá nhiều tỏi, sả, gừng khiến cơ thể bị nóng gây ra tình trạng lở miệng, nổi mụn, kích ứng da, nặng thì tổn thương gan, đau đầu, rối loạn tiêu hóa… các loại trái cây giàu vitaminC, mật ong khi dùng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chức năng đường tiêu hóa, tăng lượng đường trong máu, táo bón và huyết áp thấp kéo dài…
Sử dụng nhiều biện pháp để phòng, chống dịch bệnh là việc nên làm song cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, tham khảo các nhà chuyên môn, nhất là trong việc sử dụng các vị thuốc. Việc bổ sung liên tục bất kỳ một loại thảo mộc nào trong thời gian dài đều không được khuyến khích. Thay vì chỉ sử dụng một vài loại thảo mộc, thực phẩm để phòng dịch thì mỗi gia đình cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, sử dụng da dạng các loại thực phẩm lành mạnh kết hợp với chế độ luyên tập, nghỉ ngơi khoa học để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật.
Ý kiến ()