Thứ 7, 23/11/2024 05:52 [(GMT +7)]
Lạm dụng rượu, bia: Ẩn họa TNGT
Thứ 2, 12/09/2011 | 10:57:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, ở Việt Nam hiện có khoảng 40% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu bia và khoảng 11% người tử vong vì TNGT liên quan đến rượu bia. Mặc dù đã được cảnh báo về những hiểm họa TNGT do lạm dụng bia, rượu song vẫn không ít người vô tư điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia để rồi phải “mang họa” vào thân.
Chăm sóc bệnh nhân bị TNGT tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh |
Ngay trong những ngày đầu tháng ATGT 2011 (1-5/9), Khoa Chấn thương-Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 19 ca cấp cứu vì TNGT, trong đó có những trường hợp bị thương rất nặng: đa chấn thương, gãy cả chân, tay…
Bệnh nhân Vi Văn Lành, 19 tuổi, ở xã Hiệp Hạ, huyện Lộc Bình được đưa vào viện trong tình trạng gãy 2 chân và tay trái; mặt mũi bầm dập. Đây là một trong số những trường hợp bị thương nặng do TNGT đang được điều trị tích cực tại khoa. Lành cho biết: Sau một cuộc uống bia với bạn bè, em chạy xe máy trên đường về thì hoa mắt, tông luôn vào ô tô ngược chiều. Khi tỉnh lại, em thấy mình đang ở viện, toàn thân đau đớn, chân, tay bó bột và phải nằm một chỗ. Mới có mấy ngày ở viện, em đã “ngốn” của gia đình hơn chục triệu đồng. May mắn không bị chấn thương sọ não song Lành sẽ phải nằm đây ít nhất nửa tháng nữa và sẽ cần một khoảng thời gian khá dài để phục hồi.
Theo Bác sĩ Vi Hồng Đức, Khoa Chấn thương-Bỏng, hiện trung bình mỗi tháng Khoa tiếp nhận khoảng 60 trường hợp bị TNGT. Mặc dù Bệnh viện chưa có số liệu thống kê về TNGT liên quan đến rượu, bia, nhưng những trường hợp như Lành không phải là hiếm. Thực tế, anh đã gặp nhiều trường hợp bị TNGT vào cấp cứu trong tình trạng hơi thở có hoặc thậm chí nồng nặc mùi bia, rượu. Trường hợp bị thương nhẹ thì dập thịt, gãy chân (tay), nặng thì chấn thương sọ não, có người vừa gãy chân, gãy tay, vừa dập hộp sọ. Là người tham gia xử lý nhiều vụ TNGT, Thiếu tá Hoàng Hồng Sơn, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Qua trao đổi, khá nhiều người gây tai nạn hoặc bị TNGT thừa nhận rằng họ tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia. Mà thông thường, khi trong người có men rượu thì người điều khiển phương tiện không làm chủ được tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng… Và điều này dễ dẫn đến việc gây tai nạn cho chính bản thân họ và người tham gia giao thông xung quanh. Tai nạn do điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia là hiểm họa được báo trước. Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cũng quy định rất rõ: cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia đối với tài xế ô tô khi tham gia giao thông và hạn chế xuống mức rất thấp nồng độ cồn trong máu với người lái xe máy. Mức xử phạt với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn trong máu cũng được tăng nặng. Tuy nhiên, do ý thức của người tham gia giao thông còn kém, do tập tục và thói quen ăn uống, hội hè nên vẫn không ít người làm ngơ với quy định này. Đơn cử như tại TP Lạng Sơn, hàng chục, hàng trăm quán nhậu, bia hơi vỉa hè luôn nhộn nhịp, đông khách mỗi buổi tan tầm. Sau cuộc vui, họ hòa vào dòng người tham gia giao thông trên đường khi trong người đã “chếnh choáng” hơi men. Vô tư uống rượu, bia, rồi vẫn vô tư điều khiển phương tiện, chính họ “góp phần” làm gia tăng TNGT và dẫn đến gánh nặng cho gia đình, cho xã hội.
Tháng ATGT năm nay có chủ đề “Phòng, chống uống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”, trong đó nhấn mạnh đến việc tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Tuy nhiên, để giảm thiểu TNGT , điều quan trọng hơn cả là mỗi người tham gia giao thông phải nhận thức rõ những hiểm họa TNGT mà việc lạm dụng rượu, bia mang lại để từ đó tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự ATGT, góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng và cho chính mình.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()